Lỗi do quy hoạch ”đá" nhau
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hoàng Trường-Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Đức (Hà Nội) xác nhận, trong mấy ngày qua cơn mưa lớn kéo dài đã khiến cho nhiều đoạn đường, khu vực dân cư, khu đô thị (KĐT) mới tại địa bàn Hoài Đức như nút giao Thiên Đường Bảo Sơn-Lê Trọng Tấn với đoạn đường gom Đại lộ Thăng Long xảy ra tình trạng ngập úng nghiêm trọng, có đoạn ngập sâu cả mét.
Theo ông Trường, đây không phải lần đầu mà liên tục trong thời gian gần đây tình trạng ngập úng khi mưa lớn liên tục xảy ra ở khu vực này. Theo vị này, qua khảo sát, hiện nay các KĐT mới xung quanh như: Khu đô thị Bảo Sơn; khu vực trước cổng đô thị Nam An Khánh Sudico, khu đô thị Lê Trọng Tấn- Geleximco, khu đường gom Láng Hòa Lạc ..., nước mưa đều đổ dồn không tiêu thoát kịp nên xảy ra ngập úng nghiêm trọng.
Lý giải về nguyên nhân, theo ông Trường có một số nguyên nhân chính. Đầu tiên là do quy hoạch hạ tầng thoát nước của khu vực này không đồng bộ. “Dự án KĐT Lê Trọng Tấn - Geleximco, KĐT Nam An Khánh Sudico, khu Thiên đường Bảo Sơn..., đều được triển khai từ thời điểm trước khi Tây Hà sát nhập về Hà Nội. Do vậy đến khi điều chỉnh lại quy hoạch, quy hoạch phân khu thì giữa quy hoạch mới và quy hoạch cũ có sự “đá” nhau về các mạng hệ thống thoát nước ngay ở các KĐT mới này”, ông Trường nói.
Nguyên nhân thứ hai theo ông Trường, có những hạng mục về hạ tầng ở khu vực này chậm triển khai. Thậm chí có những “xôi đỗ” khi không được triển khai đồng bộ với hệ thống thoát nước chung của thành phố. Trong đó cũng có nguyên nhân, chủ đầu tư các KĐT chỉ chăm chăm lo xây nhà, chia lô để bán mà không xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ khiến khu vực cứ mưa là ngập nghiêm trọng.
"Ở đây có KĐT rộng lớn trong quy hoạch chủ đầu tư phải thực hiện xây dựng hồ điều hòa, hệ thống xử lý thoát nước mưa..., nhưng họ chưa triển khai mà mới chủ yếu là phân lô xây nhà liền kề, nhà biệt thự để bán", vị cán bộ cho hay.
Xung quanh những ngôi nhà phố liền kề, những ngôi biệt thự bị bủa vây bởi nước mưa ngập úng. (Ảnh: Toàn Vũ)
Cư dân sống ở những biệt thự "triệu đô" như đang sống trong làng xã khi cứ mưa lớn là ngập sâu (Ảnh do cư dân KĐT mới Lê Trọng Tấn-Geleximco chụp)
Lãnh đạo huyện Hoài Đức cũng cho hay, trong đợt mưa lũ năm 2017, UBND huyện Hoài Đức đã phải triệu tập các cuộc với các ngành chức năng liên quan như : Thoát nước đô thị Hà Nội, Ban duy tu Sở Xây dựng, các chủ đầu tư các KĐT ..., nhằm bàn về khắc phục tình trạng úng ngập tại khu vực này. "Huyện đã mời các bên liên quan để làm việc về vấn đề này, tổ chức các cuộc họp nhưng do quy hoạch cũ mà họ đã làm kết hợp với quy hoạch mới duyệt có những cái đấu nối chưa được khớp. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng chưa được đồng bộ nên mới xảy ra ngập", vị này phân trần.
Đề cập về giải pháp khắc phục tình trạng “cứ mưa là ngập”, vị cán bộ UBND huyện Hoài Đức cho rằng, đang gặp khó vì liên quan đến nhiều sở ngành, chưa rõ trách nhiệm nên chưa có hướng xử lý đồng bộ. "Hiện hệ thống sông mương, kênh thoát nước thuộc Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn quản lý, trong khi đó hệ thống thoát nước đô thị lại do Sở Xây dựng quản lý.
Còn theo phân cấp thì Xí nghiệp thoát nước số 6 của Công ty thoát nước Hà Nội phụ trách địa bàn huyện Hoài Đức nên huyện đã mời các đơn vị làm việc để cùng huyện bàn giải pháp tháo gỡ vấn đề nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có hướng xử lý đồng bộ cho khu vực ngập úng này nên nhiều người dân ở đây cứ cho rằng, họ bị bỏ rơi", vị này cho hay.
Phía Cty Thoát Nước Hà Nội cho rằng, khu vực này tuy đã đi vào hoạt động nhiều năm nay nhưng hầu hết hệ thống thoát nước tại đây là tự chảy (thoát nước tự nhiên) hoặc có nhưng chỉ mang tính nội bộ "Hệ thống thoát nước tại khu vực phía Tây Nam, kể cả Ðại lộ Thăng Long chưa được bàn giao cho thành phố. Do vậy, khi mưa ngập xảy ra, việc tiêu thoát nước tại đây chủ yếu là tự chảy, chưa có sự điều tiết của thành phố cũng như hệ thống bơm trợ lực khi mưa lớn xảy ra”, vị này nói.
“Thiên đường” đáng sống trở thành đứa con rơi?
Đối với người dân tại các KĐT mới ở đây như: KĐT mới Lê Trọng Tấn - Geleximco của chủ đầu tư là Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco), KĐT Nam An Khánh của Sông Đà Sudico hay KĐT Thiên Đường Bảo Sơn..., mấy ngày qua mưa lớn kéo dài đã xảy ra ngập úng cục bộ, nước tràn vào nhà khiến cuộc sống bị đảo lộn. Mang tiếng sống trong những ngôi nhà phố liền kề, những ngôi biệt thự triệu đô nguy nga nhưng nhiều gia đình phải sống như cảnh làng xã, ốc đảo trong cảnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Những cư dân ở KĐT mới Lê Trọng Tấn- Geleximco cho biết, tình trạng ngập nặng tại đây đã xảy ra nhiều năm nay. Hầu hết các hộ dân sống tại khu A mặt đường chính Lê Trọng Tấn gần nút giao Đại lộ Thăng Long đều phải sắm máy bơm công suất lớn để hút nước tràn vào hầm khi mưa to.
“Mang tiếng là các KĐT mới có quy mô lớn nhất của tỉnh Hà Tây trước đây được phê duyệt từ năm 2006, những khu mang tên thiên đường đáng sống với hàng loạt nhà liền kề và biệt thự bán cho khách cả triệu đô nhưng nó như “đứa con rơi” khi hạ tầng không được triển khai đồng bộ chủ yếu là những dãy nhà san sát mọc lên. Đặc biệt, ở đây hệ thống thoát nước không được kết nối với hệ thống chung nên cứ mưa to là ngập”, một cư dân sống ở khu biệt thự thuộc KĐT Lê Trọng Tấn - Geleximco) bức xúc.
Mưa ngập không chỉ gây khó khăn việc đi lại mà còn làm ảnh hưởng gây thiệt hại cho tài sản, nhà cửa của nhiều hộ dân ở KĐT mới Lê Trọng Tấn- Geleximco (Ảnh do cư dân chụp).
Trên các trang diễn đàn của cư dân "làng" nhà phố liền kề, nhà biệt thự triệu đô ở các KĐT mới này, những ngày này là những hình ảnh, những thông tin như trong vùng "rốn" lũ. "Mang tiếng ở nhà phố, nhà biệt thự mà nhìn nằm nản quá cả nhà ơi... nước chặn trước nó chảy ngược lại từ đường thoát chảy lên... e thấy nan giải quá anh chị ạ. "Thời tiết không có lỗi.
Hận mấy ông thiết kế và thi công, quy hoạch lộn xộn nữa. Dạ mưa to quá..., nhà em lại chưa có kinh nghiệm chống lũ. Chắc năm sau kinh nghiệm hơn :)) lụt vào nhà nhìn ớn quá a chị ạ.... Cơn mưa rạng sáng ngày thứ bảy 21/7/2018 làm cả khu như chìm trong biển nước.
Đoàn cứu trợ đi thăm hỏi động viên, hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại nặng nề trong trận lũ lụt lịch sử. Thật sự gia đình em rất xúc động. Em quyết gắn bó mãi với bà con xóm Gele Riverside....", đấy là những dòng thông tin, lời bình luận của cư dân "làng" biệt thự triệu đô giữa Thủ đô Hà Nội.
Lo xây đô thị dày đặc, bỏ quên hệ thống thoát nước
Đánh giá về tình trạng "cứ mưa là ngập" tại khu vực các KĐT mới ở phía Tây Bắc và ven Đại lộ Thăng Long (Hà Nội), KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, do không hề có cốt nền chuẩn của từng khu vực mà chỉ có cốt trên giấy, trên bản quy hoạch còn khi thực hiện không ai làm.
"Ở khu vực này lâu nay nước mưa thoát theo kênh không thông qua hộp công thoát nước đô thị. Trong khi các chủ đầu tư khi làm đô thị chỉ chăm chăm lo xây nhà, chia lô để bán. Họ lo xây đô thị dày đặc để bán nhiều lợi nhuận mà bỏ quên hệ thống hạ tầng trong đó có hệ thống thoát nước. Chỉ đầu tư vài cái bơm cưỡng bức hay nạo vét cống khi mùa mưa bão đến thì không thể giải quyết được triệt để tình trạng ngập úng ở khu vực này", KTS Tùng phân tích.
Cũng theo ông Tùng, theo quy định, khi xây dựng đô thị ít nhất phải để lại 20% diện tích làm hồ điều hòa, đường đi lại và công viên cây xanh. Nhưng hiện nay, hầu như chẳng có KĐT có hồ cả, thậm chí khu vực hồ cũng bị lấp đi, chuyển đổi công năng sử dụng thành nhà để bán.