Sách Long Hưng đất phát nghiệp Vương triều Trần của nhà nghiên cứu Đặng Hùng ghi, người dân làng Mẹo chỉ có giàu hay không, chứ không bao giờ đói.
Nằm tại một vùng nông thôn, nhưng khi bước chân vào ngôi làng này, ai cũng phải choáng với số lượng các căn nhà bề thế.
Đây là làng Mẹo hay còn gọi là làng Phương La 2, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Tên gốc của làng là Ứng Mão - ngôi sao Mão (tượng trưng cho giàu có).
Từ xa xưa, làng này nổi tiếng với nghề dệt. Người dân từ bé đã biết đến dệt.
Đi dọc các con đường ở làng Mẹo ai cũng nhận ra sự khang trang, nhiều ngôi nhà bề thế nhờ sự cố gắng và nỗ lực cũng như tài kinh doanh.
Sách “Long Hưng – đất phát nghiệp Vương triều Trần” của nhà nghiên cứu Đặng Hùng ghi, người dân làng Mẹo chỉ có giàu hay không, chứ không bao giờ đói. Người Thái Bình có câu: “Người làng Mẹo quẳng đâu cũng không chết”.
Một trong những người con của làng Mẹo nay thành đạt là ông Trần Văn Sen - 79 tuổi - anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Trước đây, ông cũng đi lên từ nghề dệt, sau này đầu tư sang các lĩnh vực khác với tập đoàn Hương Sen là một trong những doanh nghiệp hàng đầu cả nước trong sản xuất, kinh doanh đồ uống.
Làng Mẹo có khoảng 3500 nhân khẩu, 100 ha đất nông nghiệp. Nếu tính toán kỹ thì mỗi người được 250m2 đất là con số không nhiều.
Cho nên người dân đã kinh doanh, buôn bán và tìm hướng để phát triển kinh tế. Các số liệu đưa ra hồi năm 2019 cho thấy, làng Mẹo có khoảng hơn 50 doanh nghiệp với vốn từ 5 tỷ đồng trở lên và doanh thu khoảng 400 tỷ/năm.
Hiện nay, làng Mẹo là nơi giàu có. Người dân không chỉ làm nghề dệt mà còn kinh doanh các mặt hàng như chăn màn, quần áo, vận tải...
Tương truyền từ khi lập làng, các cụ tổ có truyền lại những bí quyết kinh doanh và chỉ được truyền miệng trong gia đình nên dân ngoại tộc không thể học được.
Chia sẻ trên báo chí, ông Trần Văn Toán - trưởng thôn Phương La 2 cho hay, ở đây có hơn 100 tỷ phú. Có doanh nghiệp ít vài tỷ, có doanh nghiệp cả nghìn tỷ đồng.
Hiện, làng Mẹo cũng có một cụm công nghiệp với hơn 100 công ty đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế của làng.
(Theo Dân Việt)