Thôn Tràng Cát nổi tiếng với nghề trồng lá dong từ khoảng 600 năm trở lại đây. Lá dong Tràng Cát được biết đến vì lá bầu, rộng bề ngang, xanh, mỏng và dẻo hơn cả lá dong rừng. Bánh chưng được gói bằng lá dong Tràng Cát có màu xanh đẹp mắt và vị thơm tự nhiên.
Với nhiều người dân ở đây, họ đặt kì vọng rất nhiều vào vụ lá dong dịp Tết, nếu bán chạy thì Tết của họ sẽ vui vẻ và đủ đầy hơn.
Mỗi dịp Tết là dịp cao điểm, thu nhập trung bình của người dân từ việc bán lá dong rơi vào khoảng 20-30 triệu đồng.
So với trước kia, diện tích trồng lá dong tại Tràng Cát chỉ còn khoảng 25% bởi bà con chuyển sang trồng cam Canh cho thu nhập cao hơn.
Sau khi thu hoạch lá sẽ được bó thành các bó rồi đến khi mang về sẽ được phân loại theo kích thước, mỗi bó sẽ có khoảng 50 lá, giá dao động 50.000- 100.000 đồng mỗi bó, tùy thuộc vào lá to hay nhỏ. Rồi sau đó mới đem đi tiêu thụ.
Ngày tết càng đến gần, không khí tại đây càng nhộn nhịp, bận rộn với công việc cắt, xếp phân loại lá dong. Như mọi năm, trước tết 3 tuần chính là thời điểm người dân sẽ bắt đầu cắt lá, phân loại, chờ người buôn đến thu mua.
Về Tràng Cát những ngày này, đi đâu cũng bắt gặp cảnh bà con tấp nập kẻ ra người vào, mọi nhân lực đều tập trung hết vào việc thu hoạch và bán lá dong. Trung bình mỗi ngày, một người lao động tại thôn Tràng Cát xếp được từ 4.000 - 5.000 lá dong.
Các em nhỏ tranh thủ ngày nghỉ giúp bố mẹ thu hoạch lá dong cho kịp Tết.
Dù không phải là nguồn thu nhập chính, nhưng lá dong là “linh hồn” của Tràng Cát, là tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam. Vì ý nghĩa đó, người dân thôn Tràng Cát vẫn luôn hy vọng, màu xanh của lá dong sẽ không bao giờ mất đi mỗi dịp Tết đến, Xuân về.