Sáng 5/5, tại TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ, đối thoại với trên 1.000 công nhân lao động kỹ thuật cao của các địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm và 16 ngành kinh tế kỹ thuật cao của đất nước nhân “Tháng Công nhân năm 2019”.
Cùng tham dự chương trình có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại những lần đi gặp gỡ, trực tiếp lắng nghe kiến nghị, tâm tư của các công nhân, lao động.
Theo Thủ tướng, đây là dịp để các cơ quan Chính phủ, đại phương lắng nghe công nhân (CN) nhiều hơn. Các đơn vị có liên quan được mời phải trao đổi dân chủ thẳng thắn để Chính phủ nghe được những tiếng nói từ những người trực tiếp có tay nghề cao, qua đó có những chính sách phát triển nguồn nhân lực nói chung và nhân lực chất lượng cao nói riêng.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định phát triển đất nước không thể chỉ dựa vào lao động giá rẻ mà còn là vốn và công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, trong đó nhân lực bậc cao quyết định năng suất lao động, là động lực quan trọng yếu tố then chốt.
“Chúng tôi muốn lắng nghe và hiến kế từ phía các bạn, đề xuất cơ chế chính sách từ các bạn. Các bộ trưởng, doanh nghiệp, trường học phái trả lời trực tiếp các vấn đề đặt ra. 43 kiến nghị đây rất nặng ký, là tiếng nói từ trái tim và khối óc của các bạn. Đây là khích lệ rất lớn với Chính phủ trong sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhấn mạnh: Tôi mong muốn anh chị em công nhân được mời tham dự chương trình hôm nay mạnh dạn phát biểu ý kiến trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn… Chúng ta phát triển đất nước rất cần đội ngũ lao động có kỹ thuật, có trình độ nhưng về điều kiện sống, môi trường làm việc, anh chị em có tâm tư bức xúc ra sao… Một năm gặp 1 lần, 4 năm rồi, hàng năm, tôi đều có các cuộc gặp gỡ, lắng nghe anh chị em công nhân. Qua các cuộc gặp gỡ, có nhiều kiến nghị được giải quyết, ví dụ như các thiết chế công đoàn đã và đang phục vụ công nhân. Riêng đối với công nhân bậc cao thì cần có chính sách tốt hơn để đội ngũ này ngày càng lớn mạnh.
“Trên tinh thần đó, tôi muốn nghe ý kiến các bạn, dành thời gian cho các bạn nhiều hơn, các ban ngành bộ trưởng sẽ trả lời các bạn trước khi Thủ tướng phát biểu. Tôi rất trân trọng tình cảm của anh chị em công nhân dành cho tôi. Tôi sẵn sàng lắng nghe”, Thủ tướng khẳng định.
Phát biểu khai mạc buổi gặp mặt, ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết: Bốn năm trước, cũng tại mảnh đất phía Nam thân thương của Tổ quốc, 5.000 công nhân, lao động đã được gặp Thủ tướng khi đồng chí bắt đầu nhiệm kỳ mới của mình.
Kể từ đó, với thông điệp “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng đã 4 lần gặp gỡ, đối thoại và kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật với công nhân, lao động. Nhiều tâm tư, nguyện vọng chính đáng của công nhân, lao động được Thủ tướng chia sẻ và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai, thực hiện.
Theo ông Cường, hằng năm, Chính phủ thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình.
Mới đây, Thủ tướng phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm triển khai biện pháp cải thiện, nâng cao năng suất lao động tại doanh nghiệp và các ngành sản xuất; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng và ban hành đồng bộ các chính sách xã hội, bao gồm chính sách hỗ trợ về tài chính, dạy nghề để chuyển đổi nghề nghiệp; cung cấp các dịch vụ tư vấn việc làm... để giúp người lao động bị mất việc làm do các doanh nghiệp không đứng vững được trong quá trình cạnh tranh…
“Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành liên quan, công nhân lao động trong các khu nhà trọ đã được hưởng giá điện như hộ gia đình; vấn đề trật tự, an toàn, an ninh trong các khu công nghiệp, khu chế xuất được đảm bảo, công nhân lao động được trang bị, tăng sức đề kháng trước nạn tín dụng đen hoành hành”, ông Cường cho hay.
Người đứng đầu tổ chức Công đoàn Việt Nam cũng cho biết đại diện công đoàn các cấp đã khởi kiện tại Tòa án 2.510 vụ; tư vấn pháp cho 245.883 lượt đoàn viên, người lao động, giúp cho hàng chục nghìn đoàn viên, người lao động được chi trả trợ cấp thôi việc, nâng lương quay lại làm việc, đóng bảo hiểm xã hội…
"Hiện nay, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sẽ có rất nhiều đổi mới nhưng bản chất của nó vẫn là sản xuất công nghiệp, gắn với công nhân và công nghệ. Hiện đại hóa và tự động hóa là xu hướng tất yếu của thời đại. Anh chị em ông nhân lao động cần nhìn nhận đây là xu hướng mang lại cơ hội hơn là đe dọa. Tự động hóa không thể thay thế con người trong việc ra quyết định cũng như linh hoạt trong nhận thức. Vì vậy, mỗi người công nhân lao động trong kỷ nguyên số cần phải làm chủ công nghệ và có kỹ năng mà máy móc không thể có", ông Cường bày tỏ.