Công ty TNHH MTV Dầu khí Sài Gòn (Saigon Petro) cho biết đã kiến nghị lên Bộ công thương và Bộ tài chính một số chính sách có liên quan đến việc phát triển xăng E5.
Theo đó trong hai tháng đầu năm 2018, sản lượng tiêu thụ xăng E5 dù có tăng cao so với bình quân năm 2017 (do bỏ xăng A92) nhưng tỷ trọng chiếm chưa đến 30% so với tổng sản lượng xăng tiêu thụ.
Tham khảo những đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu có hệ thống phối trộn xăng E5 lớn thì tỷ trọng bán xăng E5 cũng tương tự khoảng 30% trong tổng số xăng tiêu thụ, còn lại là xăng A95 tỷ trọng khoảng trên 70%. Trong khi trước đây xăng A92 chiếm hơn 65%.
"Những tháng đầu tiên trong năm 2018 thực hiện việc bán đại trà xăng E5 theo chủ trương chung của nhà nước, tình hình tiêu thụ còn phải theo dõi nhưng chúng tôi cho rằng đây là con số rất đáng báo động cần xem xét một cách nghiêm túc trên bình diện cả nước. Đây là chủ trương lớn của nhà nước trong việc thực hiện bảo vệ môi trường, trong đó ô nhiễm môi trường do khí thải xăng dầu là một trong những nhân tố rất quan trọng", Saigon Petro nêu rõ.
Từ đó Saigon Petro đề nghị Bộ Công thương, Bộ Tài chính nên có tổng hợp số liệu chính thức. Nếu sản lượng tiêu thụ xăng E5 thấp, cần có các biện pháp để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng E5 cũng như các thương nhân trong hệ thống kinh doanh xăng dầu. Đặc biệt là các DN đầu mối đầu tư hệ thống phối trộn xăng E5 lớn.
"Trong trường hợp áp dụng các biện pháp mà sản lượng xăng E5 vẫn thấp, không đạt được yêu cầu. Lúc đó, mục tiêu bảo vệ môi trường đề ra không đạt thì nên cho dùng lại xăng A92 để không bị lãng phí xã hội. Do hiện nay xe máy, thiết bị động cơ có nhu cầu sử dụng xăng A92 nhiều, các loại xe này không cần thiết phải sử dụng xăng A95 và trước đây đã từng sử dụng xăng A92", Saigon Petro kiến nghị.
Xăng E5 mới chỉ chiếm khoảng 30% trong tổng số xăng tiêu thụ trên thị trường
Saigon Petro cũng dẫn chứng số liệu về sản lượng xăng A92 tiêu thụ bình quân từ năm 2017 trở về trước là khoảng 6.000.000 m3/năm, tương ứng 500.000 m3/tháng. Nếu tính sản lượng tiêu thụ xăng E5 chỉ bằng 50% lượng xăng A92, 50% lượng xăng A92 còn lại chuyển sang xăng A95.
"Như vậy với mức chênh lệch giá giữa xăng E5 và xăng A95 hiện là 1.600 đ/lít, thì chỉ riêng trong tháng 1 và 2-2018 mức lãng phí xã hội do các phương tiện sử dụng xăng A95 không cần thiết là 400 tỷ đồng/tháng", Saigon Petro khẳng định.
Kiến nghị giảm thuế xăng E5
Saigon Petro kiến nghị cũng cho hay vừa qua, Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo để trình lấy ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) trong đó có việc tăng thuế BVMT với xăng dầu. Theo dự thảo, mức tăng đối với xăng là 1.000 đồng/lít và 500 đồng/lít đối với dầu DO.
Đến nay, Quốc hội chưa thông qua luật thuế ưu đãi đối với nhiên liệu sinh học (xăng E5) mà hiện chỉ giảm thuế BVMT bằng tỷ lệ 5% ethanol so với xăng khoáng. Nghĩa là thuế BVMT đối với xăng E5 bằng 95% thuế BVMT đối với xăng khoáng. Như vậy, theo dự thảo thì thuế BVMT đối với xăng A95 là 4.000 đồng/lít, xăng E5 là 3.800 đồng/lít, mức chênh lệch là 200 đồng/lít.
"Hiện nay Bộ Công thương tạo ra chênh lệch giá giữa hai loại xăng chủ yếu từ trích và sử dụng quỹ bình ổn giá là không hợp lý. Theo chúng tôi, mức chênh lệch này cũng còn quá thấp sẽ không khuyến khích sản xuất, sử dụng xăng E5" công văn nêu rõ.
Xăng E5 có tác động tốt đến môi trường, để tạo khoảng cách giá so với xăng A95 đủ lớn và đúng quy định về khung thuế BVMT hiện đang được cho phép. Saigon Petro kiến nghị áp dụng thu thuế BVMT trên giá trị tuyệt đối cho từng loại xăng.
Cụ thể: Bên cạnh việc tăng thuế BVMT xăng A95 từ 3.000 lên 4.000ồng/lít, cần xem xét giảm thuế BVMT xăng E5 xuống thêm 500đồng/lít hoặc tính mức giảm thuế BVMT xăng E5, không tính thuế BVMT xăng E5 theo tỷ lệ ethanol như hiện nay. Với mục tiêu là tạo ra chênh lệch giá bán lẻ giữa xăng E5 và A95 khoảng 2.000-2.500 đ/lít.
"Theo chúng tôi, đây là biện pháp cơ bản và lâu dài nên áp dụng-sử dụng nguồn thu thuế BVMT để bảo vệ môi trường", kiến nghị nêu rõ.