Điều này trái ngược với bài toán chưa có lời giải về những con đường ùn tắc, những ngôi trường, công viên, bệnh viện chật hẹp ở TP. Thật xót khi tài sản chung bị sử dụng lãng phí và gây thất thu lớn cho ngân sách như vậy.
Giám sát có, kiểm tra có, thực trạng lãng phí như thế nào cũng đã được chỉ ra. Thế nhưng, đến khi nào tình trạng lãng phí đất công mới được giải quyết hiệu quả? Đó là câu hỏi mà người dân đặt ra và chờ đợi hành động xử lý quyết liệt từ chính quyền TP.
Hai nhà hàng ở khu đất công sử dụng sai mục đích, xây hoành tráng, vậy mà đến lúc đi vào hoạt động, chính quyền địa phương mới phát hiện! Ảnh: TẤN THẠNH
Đơn cử, Công ty CP Dược liệu Trung ương 2 được UBND TP HCM cho thuê đất tại số 97 Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp để xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm, cửa hàng, văn phòng làm việc và nhà kho với diện tích hơn 18.400 m2. Thế nhưng, trái với mục đích ban đầu, công ty này đã "xẻ" một phần đất được giao đem cho thuê làm nhà hàng ăn uống để kiếm lời hàng tỉ đồng mỗi năm. Công ty CP Dược liệu Trung ương 2 đã ký thỏa thuận hợp tác kinh doanh với các đơn vị để xây dựng nhà hàng ẩm thực 45 và nhà hàng bia tươi Mahalo. Nhà hàng ẩm thực 45 và nhà hàng bia tươi Mahalo "to như con voi" chứ có bé như con kiến đâu mà chính quyền không hay biết? Trong khi đó, chỉ cần người dân xây thêm cái bậc tam cấp thì thanh tra xây dựng biết ngay. Thế nên, người dân có quyền nghi vấn về sự dung túng của chính quyền địa phương đối với trường hợp trên; thậm chí tồn tại lợi ích của một nhóm người với miếng "mồi ngon" đất đai.
Khi đất công lãng phí, quản lý chưa hiệu quả, điều mất đi không chỉ là tiền, là nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Lớn hơn, đó là niềm tin của dân chúng về sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, sự công tâm và năng lực quản lý của chính quyền sẽ bị hao mòn.
Điều người dân mong muốn bây giờ là nhanh chóng có một cuộc tổng rà soát, thống kê toàn bộ tài sản công trên toàn địa bàn TP, đặc biệt là đất đai và trụ sở cơ quan. Đất công nào chưa được sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích phải kiên quyết thu hồi ngay. Phải chỉ rõ khu đất nào đang giao cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn TP và công khai cho người dân biết. Chỉ khi công khai như vậy, người dân mới biết mà giúp chính quyền giám sát cũng như phản ánh sai phạm diễn ra trên những khu đất đó. Đối với những khu đất đã thu hồi thì cho đấu giá công khai. Bài học về đấu giá thành công khu đất số 23 Lê Duẩn vẫn còn đó. Giá khởi điểm 558 tỉ đồng, có 13 doanh nghiệp tham gia đấu giá và mức thắng lên đến 1.430 tỉ đồng - gấp 2,6 lần giá khởi điểm, giúp ngân sách thu được đúng giá trị khu đất.
Đặc biệt, cần xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức được giao quản lý, sử dụng đất công và xử lý nghiêm minh nếu có sai phạm.