Bao đời nay, người dân làng Chánh Trạch 1, 2 (xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, Bình Định) luôn tự hào bí đao khổng lồ của làng là "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam, bởi bình quân mỗi quả bí nặng từ 40-60 kg.
Quả bí xẻ ra cả xóm ăn mới hết
Bàu Chánh Trạch nằm lọt thỏm giữa đầm lầy, núi dựng ba mặt, hướng về phía biển. Tương truyền ngày xưa có một người khổng lồ đã gánh hai quả núi ngăn dòng thủy quái, đến nơi này thì đòn gánh gãy, núi rơi xuống trở thành bờ chắn phù sa, nên trồng cây gì cũng tươi tốt. Cũng bởi vậy mà vùng đất này sản sinh những "kỳ hoa dị thảo" bí đao khổng lồ hay nếp 3 tháng.
Đến nay chưa có nhà khoa học nào lý giải vì sao bí đao ở vùng đất Chánh Trạch (xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, Bình Định) lại cho quả to đến vậy. Còn người làng Chánh Trạch cho rằng giống bí độc nhất vô nhị cho trái to khổng lồ là do thổ nhưỡng hiếm có và một phần "bí kíp" chọn giống, cách trồng truyền thống.
Bà Văn Thị Lịch (70 tuổi, thôn Chánh Trạch 1), chia sẻ: "Từ thời ông cha, ông cố đã trồng bí đao cho quả to vậy rồi, đến đời con đời cháu cứ vậy trồng chứ chẳng có bí quyết gì đặc biệt. Tới mùa làm đất trồng, khi bí chuẩn bị cho hoa thì đào luống ở giữa cho phân chuồng, phân u rê, nếu có bánh dầu (bã đậu phộng đã ép dầu) trộn vào thì sau này quả bí càng to, đẹp. Duy nhất chỉ bí đao ở Chánh Trạch quả nặng 50- 60 kg, có quả nặng trên 70 kg, hai người mới khiêng nổi".
Mỗi vụ thu hoạch trên 2 tấn bí đao, ông Nguyễn Đình Giáo (thôn Chánh Trạch 1) cho biết, thường từ tháng 11 âm lịch, người dân làm đất gieo hạt, khoảng một tháng sau thì làm giàn để bí leo. Giàn bí phải chắc chắn để đủ sức gánh những quả bí khổng lồ. Nhiều gia đình làm giàn không chắc có khi bị sập giữa chừng nên giờ đây nhiều hộ đầu tư làm trụ bê tông để làm nhiều vụ.
Sau Tết Nguyên đán, bí bắt đầu ra quả, lúc này người trồng chọn những quả đẹp để giữ lại, quả xấu cắt bỏ. Mỗi dây bí cũng chỉ giữ lại một quả. Đặc biệt, để quả bí không bị rớt xuống đất, nông dân còn dùng lưới mắc võng để bí "ngủ" dưới giàn, vì cuống bí không đủ sức chịu đựng với quả khổng lồ.
Đến tháng 5, tháng 6 thì thu hoạch bí. Những năm gần đây, bí đao bán được với giá từ 5.000 - 7.000 đồng/kg, so mới mọi năm là cao nên người dân cũng phấn khởi.
Bà Nguyễn Thị Si (vợ ông Giáo) cho biết, đọt bí luộc, xào ăn rất ngon, đọt bí cắt bán rất đắt. Còn quả bí thì nấu canh, hoặc sắc mỏng phơi khô để nấu nước uống, tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, khi bí chuẩn bị thu hoạch, người trồng cắt các dây bí rồi dùng chai nhựa hứng từng nước giọt nước. Đây được xem là tinh túy khi hấp thụ đất và nước của bàu Chánh Trạch.
"Nước dây bí mùi thơm đặc trưng, mùa hè uống rất mát và giải độc. Mỗi lít nước bí, người dân bán 30.000 đồng/lít, khi chưa xảy ra dịch Covid-19, khách du lịch mua 50.000 đồng/lít, nhưng không có để bán", bà Si chia sẻ.
Bảo tồn sản vật quý hiếm
Những bậc cao niên cao niên kể, bàu Chánh Trạch trước đây là con sông lớn chảy ra biển, sau phù sa bồi lấp dần. Khi người dân đào giếng bà con vẫn thấy xác tàu mục hoặc vỏ sò. Đến giờ, Chánh Trạch vẫn là vùng trũng thấp, mỗi mùa lũ, phù sa tiếp tục vun đắp thêm màu mỡ nên trồng cây gì cũng tươi tốt. Bởi vậy, vùng đất này đã sinh ra hai loài "kỳ hoa dị thảo" bí đao khổng lồ và nếp ba tháng nức tiếng.
Theo Tiến sĩ Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, bản chất của bí đao ở xã Mỹ Thọ là nguồn gen bản địa được trồng ở vùng đất thôn Chánh Trạch, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, gió biển… nên quả bí to khổng lồ. Từ xa xưa, ông bà đưa về trồng rồi chọn lọc dần dần. Khi giống bí bắt đầu thích nghi, bà con mới nhân rộng giống bí đặc biệt này đến nay.
Tiến sĩ Hồ Huy Cường cho biết thêm, Mỹ Thọ không chỉ nổi tiếng với bí đao khổng lồ mà còn với nếp ba tháng. Giống nếp này nếu đưa đi trồng ở vùng đất khác thì mùi thơm không bằng với trồng tại thôn Chánh Trạch.
Lý giải về điều này, Tiến sĩ Hồ Huy Cường cho rằng đã gọi là giống cây trồng đặc sản, nếu đưa ra khỏi vùng đó để trồng thì tính đặc sản sẽ không phát huy được nữa. Sở dĩ, bí đao Chánh Trạch quả to khổng lồ, thứ nhất là nhờ thổ nhưỡng, đó là điều kiện đất đai… Từ xa xưa vùng đất này là biển, sau này phù sa bồi đắp lấn dần, tầng đất này dày. Hơn nữa dưới sâu là nền cát, khả năng thoát nước tốt, bộ rễ phát triển khỏe, giúp nông sản hấp thu nhiều chất dinh dưỡng.
Thứ hai là đặc thù khí hậu, nhiệt độ, lượng mưa, gió… bà con ở Chánh Trạch có thời điểm để xuống giống chứ không trồng quanh năm.
"Đặc thù giống bí này quả to, năng suất cao nhưng quả to quá nên lại khó tiêu thụ. Dù chúng ta đang có sản phẩm nước, mứt bí đao nhưng những công nghệ đó hiện chưa phát triển nhiều. Song, đây cũng là một hướng mà chúng tôi sẽ tìm hiểu nhu cầu thị trường để có hướng phát triển", Tiến sĩ Hồ Huy Cường nói.
Gắn với du lịch để bảo tồn giống bí khổng lồ
Ông Trương Ngọc Hoàng, Chủ tịch xã Mỹ Thọ cho biết, ở Chánh Trạch hiện có khoảng 30 hộ trồng. Bí đao khổng lồ xã Mỹ Thọ đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể vào năm 2018. Ngoài ra, sản phẩm nếp ba tháng Chánh Trạch đã được xếp hạng OCOP 3 sao.
"Khó khăn nhất hiện nay, sản phẩm bí đao khổng lồ Chánh Trạch giá cả thấp, tiêu thụ cũng chậm. Đặc biệt, bí đao Chánh Trạch không trồng được quanh năm và không để lâu được. Hiện có một công ty du lịch đã về đây phát triển điểm đến phục vụ du khách. Nếu không xảy ra dịch bệnh Covid-19, có thể gắn trồng bí với phát triển du lịch. Du khách thăm quan những vườn bí đao khổng lồ, kết hợp bán sản phẩm thì người dân có thu nhập tốt hơn", ông Hoàng nói.
Những năm gần đây, khi làng bí đao khổng lồ Chánh Trạch dần nổi tiếng. Bí đao xuất hiện ở các hội chợ, triển lãm lớn trong và ngoài tỉnh.
Nhận thấy tour "bí đao khổng lồ" là một thị trường ngách tiềm năng, anh Nguyễn Ngọc Thạch, một người con quê Phù Mỹ, từng công tác ở Sở Du lịch Bình Định, quyết định thành lập công ty du lịch. Với hi vọng vừa giữ gìn nghề trồng bí đao độc đáo của địa phương, vừa cải thiện nguồn thu cho người dân quê mình.
"Du khách rất thích thú và hiếu kỳ, họ thích chụp ảnh với quả bí nặng bằng người lớn. Ngoài ra, du khách đến đây còn được uống nước bí đao nguyên chất, trà bí đao và canh bí hầm xương ngon tuyệt", anh Thạch chia sẻ.
Theo anh Thạch, hiện đầu ra của bí luôn là một vấn đề nan giải. Để cải thiện thu nhập cho bà con, anh trả phí tham quan cho người dân. Đặc biệt, năm vừa qua, anh còn thu mua bí đao giúp bà con nông dân để làm sản phẩm trà bí đao, nhưng gặp dịch Covid-19 bùng phát khiến công việc gặp rất nhiều khó khăn.
"Có thể kết hợp đưa du khách tham quan làng bí đao với tham quan danh lam, thắng cảnh, trải nghiệm thiên nhiên ở địa phương. Du khách tham quan có thể mua sản phẩm của bà con mang về làm quà", anh Thạch nói.
Năm 2019, Sở Du lịch tỉnh Bình Định xây dựng đề án thí điểm phát triển du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, trong đó có làng bí đao khổng lồ Chánh Trạch.
(Theo Dân trí)