Tuy nhiên, thời gian thu hoạch củ niễng rất ngắn, chỉ chừng vài ba tuần là hết trà ngon nên sức mua dịp chính vụ rất lớn. Cây niễng đang được coi là cây làm giàu của người dân nơi đây bởi giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần trồng lúa lại ít mất công chăm bón và chi phí đầu vào.
Chị Nguyễn Thị Tươi, xóm 8, xã Nghĩa An tỉa lá niễng, chuẩn bị thu hoạch củ niễng.
Cây niễng, có nơi gọi là lúa bắp, hình dáng giống cây lau, sậy và thường mọc hoang ở vùng đất trũng. Với đặc tính ưa nước nên cứ nơi nào nhiều bùn mục như hồ, ao, đầm nước, bãi bồi ven sông thì cây niễng cho củ; còn nơi đất nhiễm chua mặn hoặc cát pha, cây chỉ tốt lá.
Ở tỉnh Nam Định, cây niễng có nhiều ở xã Nghĩa An (huyện Nam Trực) và một số xã của các huyện Hải Hậu, Ý Yên. Có hai giống là niễng củ trắng và niễng củ tím. Trong đó, giống niễng ở các huyện Hải Hậu, Ý Yên là giống niễng tím, củ nhỏ, đốt dày, nhiều xơ nên ít được sử dụng. Cây niễng ở xã Nghĩa An (huyện Nam Trực) cây niễng củ trắng, xốp, mềm, giàu chất đạm, nhiều tinh bột, có thể ăn sống hoặc làm rau kết hợp với thịt bò, trứng, rươi chế biến nhiều món xào hấp dẫn.
Không chỉ ngon miệng, củ niễng còn rất bổ dưỡng. Đông y dùng củ niễng để chữa các bệnh về tim mạch, huyết áp và đường ruột. Từ xa xưa cây niễng đã gắn bó với đồng đất Nghĩa An, song trước đây chỉ mọc tự nhiên, đến mùa thì khai thác tận dụng chứ không coi là loại cây làm kinh tế nên không chăm bón.
Do lá niễng trồng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn với người sử dụng nên được các đơn vị thu mua với giá từ 1.000-2.000 đồng/kg để làm nguyên liệu chế biến hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Mỗi sào niễngngười dân còn có thêm khoảng 2 triệu đồng từ tiền bán lá. |
Nhiều năm trở lại đây khi nhu cầu tiêu dùng nông sản sạch tăng cao, củ niễng trở thành món ăn ưa thích được nhiều người lựa chọn. Có cung ắt có cầu, người dân Nghĩa An nhanh nhạy nắm bắt cơ hội làm giàu, tách mầm nhân giống quanh bờ ao, kênh rạch quanh làng để phục vụ nhu cầu tại chỗ và mang bán ở các chợ trong thành phố Nam Định.
Dần dà những khu ruộng trũng quanh làng đều được người dân cắm giống cây niễng. Năm 2003, hộ dân đầu tiên ở xóm 8 đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích ruộng cấy lúa kém hiệu quả trước đây sang trồng niễng, phong trào trồng niễng trên đất 2 lúa phát triển.
Đến nay, cả xã Nghĩa An có 10ha đất trồng niễng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, riêng xóm 8 có khoảng 80 hộ trồng niễng với diện tích gần 4ha. Để sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế của cây niễng, người dân đã đầu tư nghiên cứu học hỏi kiến thức chăm bón cây họ lúa kết hợp kinh nghiệm của người xưa trong việc chăm bón, nhân cấy giống.
Theo đó, vụ niễng thường bắt đầu từ lúc vừa sang xuân, người dân cày ruộng, xuống giống niễng, bón thêm phân chuồng hoặc phân NPK. Cây niễng khỏe cứ thế phát triển một mạch đến vụ thu hoạch vào giữa tháng 9 âm lịch, không phải lo trừ sâu bệnh.
Do đó, củ niễng trồng trên đất Nghĩa An bùi ngậy hơn hẳn những nơi khác nên giá bán cũng cao hơn. Trung bình mỗi sào niễng có thể mang lại cho người trồng thu nhập từ 6-7 triệu đồng, cao gấp 2-5 lần so với trồng lúa. Niễng Nghĩa An thu hoạch đến đâu bán hết ngay tại ruộng đến đó.
Gần 100 hộ dân xóm 8 xã Nghĩa An nhà nào cũng có nguồn thu từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng/vụ từ cây niễng. Đặc biệt thời gian gần đây, ngoài thu hoạch củ, lá cây niễng cũng được người dân thu gom bán cho các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu.
Từ đó người dân Nghĩa An tận dụng mọi diện tích có thể để nhân giống niễng ra những vùng đất khô cằn hoặc pha cát để bán lá. Một năm 3 lần cắt tỉa, một sào niễng trồng lấy lá cũng cho khoản thu từ 5-7 triệu đồng.
Vậy là không chỉ có xóm 8 mà cả xã Nghĩa An, đất xen kẹt giữa các công trình, dự án, khu dân cư khó canh tác lúa do không điều tiết được thủy lợi hoặc bị chuột bọ phá hoại đều được người dân tận dụng trồng niễng để tăng thu nhập.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nam, Chủ tịch UBND xã cho biết: Cây niễng trên đất Nghĩa An không chỉ có giá trị kinh tế mà còn mang đặc tính vùng miền bởi cả vùng chỉ duy có xóm 8 Nghĩa An mới trồng được củ niễng ngon. Các xóm lân cận, các địa phương khác trong tỉnh lấy giống niễng của xóm 8 Nghĩa An về trồng cũng không cho sản phẩm tốt như trồng tại đất này.
Do đó, ngoài việc khuyến khích, động viên người dân mở rộng thêm diện tích trồng niễng để cải thiện thu nhập, xã Nghĩa An mong muốn cơ quan khoa học hỗ trợ địa phương trong việc nghiên cứu chuyên sâu về cây niễng đặc sản của địa phương để có thể phát triển sản xuất quy mô lớn; ứng dụng công nghệ chế biến nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm và đẩy mạnh việc xây dựng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý quảng bá cho sản phẩm đặc trưng của địa phương./. |