Mùa rau cần "ngọt"
Thời điểm này, đường vào trung tâm xã Hoàng Lương tấp nập phương tiện ra vào vận chuyển rau cần đi muôn nơi. Xe tải hạng nhẹ, xe máy đậu khắp các nẻo để "ăn" hàng. Trên những ruộng cần xanh mướt, người dân nhanh tay thu hái để kịp cung cấp sản phẩm cho thương nhân. Trên gương mặt của họ hiện rõ niềm vui khi giá rau tăng mạnh.
Nông dân thôn Thanh Lâm đang khẩn trương thu hoạch rau cần.
Chị Nguyễn Thị Lâm Bình, thôn Thanh Lâm, xã Hoàng Lương bộc bạch: “Mỗi vụ, gia đình tôi trồng 7 sào cần. Nhờ vậy đã giúp gia đình tôi có của ăn, của để. Tuy nhiên, thời điểm này rau cần được giá nhất, 20-25 nghìn đồng/kg. Chúng tôi thu hoạch đến đâu, có người mua hết ngay đến đó nên không phải mang ra chợ bán". Theo chị Bình, với 10 tấn rau cần bán tại ruộng, gia đình chị thu về hơn 200 triệu đồng.
Cũng như hộ chị Bình, hàng trăm hộ trồng cần tại xã Hoàng Lương cũng đón mùa rau cần "ngọt", thậm chí có hộ thu về cả tỷ đồng. Bên cạnh đó, nơi đây còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại xã và vùng lân cận với mức bình quân vài trăm nghìn đồng/ngày nhờ nhổ, rửa, cân rau thuê.
Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Phạm Thành Thái, Trưởng thôn Đại Thắng, xã Hoàng Lương phấn khởi khoe: “Toàn thôn có 35ha trồng cần. Có năm giá rau cần giảm còn 2-3 nghìn đồng/kg,bà con nơi đây vẫn gắn bó với cây trồng này bởi hiệu quả kinh tế cao hơn so với cấy lúa. Năm nay, giá rau cần tăng cao nên ai cũng phấn khởi”.
Hiện nay, toàn xã có hơn 600/1.000 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó phần lớn là hộ thâm canh rau cần". Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoàng Lương. |
Nhận định của cơ quan chuyên môn, năm nay do ảnh hưởng của rét đậm và đợt mưa đá dịp Tết Nguyên đán nên nhiều loại rau màu bị thiệt hại nặng. Rau cần sau đợt mưa đá có tốc độ nảy chồi, phát triển nhanh hơn những loại rau màu khác nên đây cũng là lợi thế khi giá rau cần tăng lên.
Là vùng sản xuất tập trung, hiện nay toàn xã Hoàng Lương có hơn 180ha trồng rau cần, chủ yếu ở các thôn: Thanh Lâm, Đại Thắng và Thanh Lương. Theo tính toán của người trồng cần, bình quân 1 sào cần cho thu hoạch 3 lứa. Mỗi lứa kéo dài 45 ngày và cho thu khoảng từ 1,5-2 tấn rau.
Với giá như thời điểm này, mỗi sào rau cần sẽ mang lại cho người dân hơn 30 triệu đồng/lứa. Theo ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoàng Lương, hiện nay toàn xã có hơn 600/1.000 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó phần lớn là hộ thâm canh rau cần.
Nhân rộng vùng rau cần VietGAP
Xác định rau cần là sản phẩm mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương nên thời gian gần đây, thay vì sản xuất theo phương thức truyền thống, Hoàng Lương đã phát triển mô hình theo hướng VietGAP. Theo đó, rau cần Hoàng Lương đã tạo được những hương vị riêng như ngọt, giòn.
Thay đổi phương thức sản xuất truyền thống sang làm theo sản phẩm sạch không phải một sớm, một chiều. Để nông dân tiếp cận và làm quen, ngoài công tác tuyên truyền vận động, cán bộ chuyên môn của xã trong nhiều năm qua đã bám đất, bám đồng tổ chức thực hiện.
Thu hoạch rau cần tại xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang). Ảnh: Nguyễn Huy Nam, báo Bắc Giang.
Giờ đây, để có sản phẩm cung ứng ra thị trường, bà con đã làm quen với cách làm mới kể từ khâu chọn giống, chuẩn bị ruộng cho đến khi được đóng gói thành phẩm và đưa đi tiêu thụ, tất cả đều phải tuân thủ theo quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Quá trình chăm sóc được ghi sổ nhật ký chi tiết, đánh giá toàn bộ quá trình phát triển của rau. Đặc biệt, ưu tiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, bảo đảm an toàn và thân thiện với môi trường.
Hiện nay toàn xã Hoàng Lương đã có 120/180ha rau cần sản xuất theo quy trình VietGAP. Sản phẩm rau cần Hoàng Lương đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận "Chỉ dẫn địa lý". Ngoài thị trường phổ thông, không chỉ có mặt trong các chợ, siêu thị ở nhiều tỉnh, thành phố lớn trong cả nước, rau cần Hoàng Lương hiện cũng đã được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.
Được biết, để hỗ trợ địa phương phát triển quy mô, diện tích và nâng cao chất lượng sản phẩm, cùng với việc giúp đỡ về khoa học kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) còn hỗ trợ về kinh phí sản xuất rau cần theo quy trình VietGAP. Chỉ tính riêng năm 2019, đơn vị đã hỗ trợ địa phương 14 triệu đồng/ha/2 vụ trên tổng diện tích 20ha. Cùng đó, xây dựng hạ tầng kênh mương, bảo đảm nước tưới thuận lợi.
Theo ông Hoàng Tiến Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hiệp Hòa, rau cần Hoàng Lương là một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện và đem lại hiệu quả kinh tế cao. \ Thời gian tới, địa phương đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP để rau cần Hoàng Lương ngày càng vươn xa và thực sự là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương. Nhằm đạt mục tiêu đề ra, ngoài giám sát kỹ thuật chăm sóc, huyện chỉ đạo đơn vị chuyên môn xử lý nguồn nước bảo đảm tiêu chuẩn phục vụ sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. |