Xưa, Lạc Thổ là đơn vị cấp xã của tổng Đông Hồ, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, sau thuộc phủ Thuận Thành, là vùng đất địa văn hoá, chính trị, kinh tế, trên bến dưới thuyền, buôn bán tấp nập.
Với cảnh quan thiên nhiên nên thơ, hữu tình, mang nét đẹp đặc trưng, Lạc Thổ được vua Tự Đức triều Nguyễn phong tặng là làng quê “Mỹ tục khả phong”.
Làng Lạc Thổ Bắc ngày càng phát triển trong sự bình yên, môi trường trong sạch.
Hiện trong các di tích lịch sử nơi đây vẫn còn đôi câu đối do cụ cử nhân, tiên chỉ làng Nguyễn Xuân Điềm phụng soạn, được dịch là: “Riêng một cõi trời, có đình, có chùa, bốn phương khoáng đạt thế rồng, quân tử dừng xe thoả nguyện phóng tầm mắt/Uy nghi một phương, đây chợ đây sông, đê quai ôm đê chính địa thế hiểm trở, gian hùng đến đây phách lạc hồn xiêu”.
Lạc Thổ còn là đất hiếu học, khoa bảng khi trong thời kỳ phong kiến có đến 7 Tiến sỹ, hơn 50 Cử nhân hiện vẫn được ghi tại văn chỉ của làng.
Ông Lê Nho Thuận, Hội viên Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh, dành nhiều tâm huyết nghiên cứu văn hoá dân gian ở Thuận Thành, là người Lạc Thổ. Ông rất tự hào mỗi khi nhắc đến quê mình: “Nhiều làng, nhiều xã ở Thuận Thành có những nét văn hoá đặc sắc, riêng có. Ở các khu vực thuộc làng Lạc Thổ xưa còn lưu giữ nhiều di tích, nét văn hoá cha ông. Cho dù cuộc sống có đổi thay, phát triển, thì những nét văn hoá ấy vẫn ăn sâu, bám rễ, là niềm tự hào của mỗi người dân”.
Theo lời giới thiệu, chúng tôi về tìm hiểu về văn hoá Lạc Thổ. Trong khuôn khổ một bài báo nhỏ khó có thể kể hết văn hoá tốt đẹp nơi đây, chỉ xin giới thiệu về hội thi gà Hồ và thú chơi tao nhã thả chim bồ câu bay. Ở Lạc Thổ từ xưa đã nổi tiếng với giống gà Hồ. |
Gà Hồ trống có hai màu lông chính là đen ánh xanh (mã lĩnh) và đỏ đậm (giống màu quả mận chín, mã mận), đầu gộc, mào sít, đuôi nơm, chân to, màu da hạt đỗ nành, lưng vuông, ngực nở rộng, vóc dáng trường, trọng lượng lên đến 5-6kg, khi cất tiếng gáy vang dội xóm làng.
Gà mái có đầy đủ các tiêu chí giống như gà trống, có tới 3 màu lông là đất sét (mã thó), chim sẻ (mã sẻ) và vỏ quả nhãn (mã nhãn), bé hơn gà trống. Thịt gà Hồ thơm, ngon nức tiếng, từng là vật phẩm tiến Vua thời xưa. Gà Hồ được xem là biểu tượng cho người quân tử với đức tính: Vũ - Dũng - Tín.
Trong tâm thức của người Lạc Thổ luôn coi gà Hồ như biểu tượng “Linh vật làng”. Mỗi dịp lễ, tết trên mâm lễ cúng tổ tiên và thành hoàng làng luôn có gà Hồ. Sách “Bắc Ninh dư địa chí” từng ghi: “Xã này thờ thần, lấy gà làm giống quý… con to nặng 12 đến 13 cân ta, con bé không dưới 8 đến 9 cân ta”.
Theo ông Nguyễn Đăng Chung, Trưởng Ban công tác mặt trận làng Lạc Thổ Bắc, Chủ nhiệm CLB chăn nuôi gà Hồ: Tục lệ nuôi gà thờ có từ lâu đời, song được hoàn mỹ kể từ thời Minh Mệnh thứ 18 (1837) khi các bô lão trong làng khuyến khích dân chúng phát triển chăn nuôi, đặc biệt là gà Hồ, chim bồ câu bay.
Hằng năm làng tổ chức lễ khao trầu, trong ngày lễ có tục thi gà thờ. Lúc ấy làng có 17 giáp, mỗi giáp có một giáp trưởng chịu trách nhiệm liên lạc với các chức dịch xã để nhận phần việc cho giáp mình, do vậy tuỳ theo giáp định lấy số người phải nuôi gà trống để dự thi cùng làng.
Gà được chọn từ nhỏ, thường là những con lưng vuông, mình trường, được nuôi vỗ cẩn thận. Đến ngày dự thi, gà luộc chín, bày ra mâm thau, đầu cổ vươn cao, thân mập, tròn, da gà có màu vàng bóng, hai cánh xoè ra, chân quỳ như đang bay, mỏ ngậm hoa hồng và mảnh giấy hồng ghi tên người nuôi.
Gà Hồ thờ được rước ra nghè tế thần hoàng. Khi việc tế lễ xong, mang gà ra cân (bỏ lòng và tiết), con nào to nhất sẽ được nhận thưởng. Người Nhất được một cơi trầu và ba quan tiền, Nhì được một cơi trầu và hai quan tiền và giải Ba được một cơi trầu và một quan tiền.
Nhà nào nuôi gà Nhất 3 năm liên tiếp được tặng chức “Trưởng hoá”, là người lo việc chứa và phục dịch các tiệc ăn uống của làng trong một năm, miễn tuần canh, phu đê, tạp dịch.
Hiện nay, hội thi gà Hồ ít được tổ chức, song năm nào cũng trưng bày gà Hồ vào hội làng và dịp lễ hội Kinh Dương Vương (thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành) để giới thiệu đến du khách gần xa. Hiện nay, có nhiều hộ nuôi gà Hồ, nhiều thì 300-400 con, nhà ít thì 30-50 con. CLB chăn nuôi gà Hồ có 32 thành viên.
Gia đình nhà ông Nguyễn Đăng Chung cũng xây dựng khu chăn nuôi, mua máy ấp trứng... Với giá hiện nay khoảng 400 - 500 nghìn đồng/kg gà thịt đem lại cho gia đình ông thu nhập đáng kể.Ở Lạc Thổ còn có thú chơi thả chim bồ câu bay.
Ông Nguyễn Thế A ở làng Lạc Thổ Nam, Tết này đã ở tuổi 80, sức khoẻ không còn như xưa nhưng hằng ngày vẫn quan tâm, chăm sóc và huấn luyện đàn chim. Ông chẳng biết thú chơi này có từ bao giờ, chỉ biết thủa nhỏ thường theo bố và người trong làng gánh những lồng chim đến các lễ hội trong và ngoài tỉnh để tham dự, giải thưởng đạt được chẳng thể kể xiết.
“Thú chơi chim bồ câu bay có lúc thăng, lúc trầm do điều kiện đất nước có chiến tranh hay còn khó khăn. Những năm gần đây, khi kinh tế phát triển, nhiều người trong làng đã tìm lại thú chơi tao nhã này, hiện có hơn 30 người chơi, có đàn lên đến gần trăm con, mừng hơn là có nhiều người trẻ theo đuổi đam mê” - Ông A vừa huýt gọi đàn chim vừa hồ hởi. |
Việc nuôi và huấn luyện chim bồ câu bay rất tốn kém và công phu. Cẩn thận, tỷ mỷ từ việc chọn lựa giống, nuôi, ghép đàn rồi huấn luyện…vất vả tối ngày nhưng nhiều người vẫn say mê. Xoay quanh thú chơi này, có khá nhiều câu chuyện thú vị, ví như thời gian khó, có nhà con phải ăn cơm độn sắn, độn khoai nhưng ông bố vẫn “trộm” gạo, thóc của vợ để cho chim ăn; hay như mang chim đi thi bị lạc, phải lăn lộn tìm kiếm mấy chục cây số, mất hằng tuần để xin lại…
Hiện nay, hội thi chim bồ câu bay diễn ra một năm 2 lần ở Lạc Thổ, người chơi chim thường bảo nhau không tham gia thi khi làng tổ chức mà chỉ dành cho người ở ngoài, bởi nếu cho “nổ” đàn tại làng sẽ giật hết giải…Thời gian qua đi, làng quê Lạc Thổ hôm nay hoà nhịp cùng quê hương, đất nước vươn mình mạnh mẽ. Đi đến các xóm, thôn đâu đâu cũng thấy nhà tầng, nhà mái bằng, đời sống người dân từng bước được nâng cao.
Theo ông Nguyễn Đăng Chung, Trưởng Ban công tác mặt trận làng Lạc Thổ Bắc thì: “Kinh tế phát triển, thôn quan tâm gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, khuyến học, khuyến tài, xây dựng làng văn hoá góp phần nâng cao đời sống tinh thần trong nhân dân. Người dân Lạc Thổ học hành thành đạt, tham gia công tác giữ nhiều trọng trách khác nhau, hoặc kinh doanh, buôn bán, nhưng dù ở đâu, làm công việc gì thì vẫn giữ được nét văn hoá, truyền thống quê hương”...
Xuân bừng lên khắp làng quê Lạc Thổ, rạng ngời trên gương mặt mỗi người dân. Trên bầu trời mát lành, những cánh chim câu vút lên, mang theo những khát vọng về tự do, hoà bình, về quê hương, đất nước không ngừng đổi mới, vươn lên! |