Theo số liệu từ các CTCK chứng khoán, mặc dù thanh khoản của thị trường đã tăng lên mức trung bình hơn 30 nghìn tỷ đồng/phiên, nhưng phần lớn đến từ nhà đầu tư nội. Nếu như trước đây, quy mô giao dịch của NĐT nước ngoài tại Việt Nam chiếm xấp xỉ 20% giao dịch toàn thị trường, thì hiện tại chỉ ở 7%, trong khi quy mô vốn hoá của thị trường chứng khoán thì đã tăng lên 122% GDP.
Mặc dù, khối ngoại bán ra liên tục trên thị trường chứng khoán, nhưng theo thống kê từ UBCKNN, giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài hiện vẫn đạt khoảng 50 tỷ USD, gần với mức đầu năm.
Trả lời Talkshow Phố Tài chính, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital và ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư, Tập đoàn VinaCapital, đại diện 2 quỹ ngoại lớn nhất tại Việt Nam đều đưa cái nhìn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của thị trường tài chính Việt Nam trong dài hạn.
BTV Mùi Khánh Ly: Hai ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay?
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital: TTCK đang hoạt động khá ổn định cả về thanh khoản, về mặt quy định, hạ tầng cơ sở, hiểu biết của nhà đầu và về sự tham gia tương đối đầy đủ của các thành phần trên thị trường.
Điểm thứ hai là càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp lên sàn chính thức. Như vậy có thể nói, Việt Nam đã tạo ra được một thị trường vốn trọng yếu để huy động nguồn vốn trung và dài hạn cho các nhà phát hành. Điểm này rất khác so với 20 năm về trước, hay với 10 năm về trước. Lúc đó, chỉ có hệ thống ngân hàng thương mại là hệ thống trọng yếu cho nền tài chính của Việt Nam, nhưng nguồn vốn của hệ thống ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, còn nguồn vốn trung và dài hạn thì phải nhờ đến thị trường vốn mới là nơi cung cấp một cách hiệu quả.
Điểm thứ 3 là Việt Nam đã thành công trong việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài, rồi những chương trình cải cách doanh nghiệp, tạo nên sự lớn mạnh của các tập đoàn tư nhân của Việt Nam, mà có lẽ đó sẽ là những chủ thể chính trong sự phát triển kinh tế sau này.
Về quy mô vốn của thị trường thì đã đạt tới hơn 100% GDP, nó ngang với dự báo và kế hoạch về thị trường chứng khoán cách đây 5 năm. Thanh khoản hàng ngày đã lên trung bình 30.000 tỷ đồng/phiên, đây là con số rất lớn và có lẽ không ai trong chúng ta dự báo trước là sẽ như vậy. Nếu lấy số giá trị giao dịch hàng ngày nhân với ngày giao dịch trong năm và chia cho tổng giá trị vốn hóa, thì có thể thấy tốc độ mua bán, tốc độ đặt lệnh ở Việt Nam cao hơn phần lớn các thị trường mới nổi. Gần đây, số nhà đầu tư mới tham gia rất đông, với tổng số gần 4 triệu người, gấp 4 lần so với cách đây 2 năm, nhưng nếu so với dân số của Việt Nam thì vẫn còn tương đối khiêm tốn.
Ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư, Tập đoàn VinaCapital: Tôi cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển rất mạnh trong 25 năm qua, từ 2 công ty lúc đầu bây giờ hơn 1.600 công ty và tổng giá trị doanh nghiệp trên sàn năm nay vượt qua 300 tỷ USD - chiếm hơn 100% GDP. Tôi nghĩ 25 năm tới, thị trường sẽ tiếp tục phát triển như thế nào, cần tạo thêm sự minh bạch và quan trọng là sự an toàn, giúp cho nhà đầu tư gia tăng niềm tin và tiếp tục đầu tư vào thị trường Việt Nam.
BTV Mùi Khánh Ly: Theo như hai ông đánh giá thì thị trường đã có những tăng trưởng tốt, vậy tại sao nhà đầu tư nước ngoài lại bán ròng thời gian qua?
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital: Tất nhiên là có cả hai, có mua có bán. Ví dụ trường hợp của chúng tôi thì có huy động thêm chứ không phải là rút đi. Nhưng xu hướng chung là nhà đầu tư nước ngoài bán ròng do những nguyên nhân sau: Thứ nhất là việc xác định vai trò của Việt Nam trên các thị trường vốn của nước ngoài. Việt Nam hiện được xét là thị trường cận biên và khái niệm đầu tư vào các thị trường cận biên đang hao mòn, đang bị chậm lại, thậm chí bị coi là một chiến lược cũ cần được thay thế, chính vì vậy họ đã phải bán đi các khoản đầu tư của họ tại Việt Nam.
Dù đã đáp ứng được nhiều mặt nhưng Việt Nam vẫn chưa được xét vào danh sách các thị trường mới nổi cho nên đã hạn chế khả năng để thu hút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Thứ 3 là do thời kỳ Covid thì phản ứng đầu tiên là ai gặp sự cố cũng muốn lấy tiền của mình về nhà. Đó là những lý do chính lý giải cho nguyên nhân bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư, Tập đoàn VinaCapita: Nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay lại Việt Nam, tôi tự tin họ sẽ quay lại, quan trọng là Việt Nam sẽ có thêm sản phẩm cho họ đầu tư hay không! Hy vọng trong tương lai chúng ta có thêm một số sản phẩm phái sinh để cho nhà đầu tư Việt Nam và nước ngoài tham gia vào. Thứ 2, tôi cũng hy vọng Việt Nam sẽ đi từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi của MSCI. Để lên thị trường mới nổi, họ sẽ đưa vào vào tình trạng kiểm soát trước và tình trạng kiểm soát cũng mất khoảng 1 năm đến 2 năm. Hiện nay thì Việt Nam chưa được vào giai đoạn kiểm soát đó, nếu Việt Nam vào được thì hy vọng là có thể được hạng lên thị trường mới nổi.
BTV Mùi Khánh Ly: Như vậy thì cần có thêm những giải pháp gì để thu hút thêm dòng vốn ngoại, thưa hai ông?
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital: Có vài điểm vẫn là khó khăn đối với nhà đầu tư nước ngoài khi nhìn vào Việt Nam. Thứ nhất là khả năng tiếp cận đủ thông tin như các nhà đầu tư khác, ví dụ như về việc các công ty có chuẩn bị và công bố thông tin bằng những ngôn ngữ không phải tiếng Việt như là tiếng Anh, Nhật... Điểm thứ hai là cái quy định mà yêu cầu các nhà đầu tư nước ngoài phải gửi tiền qua tài khoản chứng khoán trước thì vẫn chưa khắc phục được cho nên họ vẫn cho đây là trở ngại nhất định đối với họ. Thêm yếu tố thứ ba là room ở những công ty mà họ muốn mua vào đã hết. Cơ bản Việt Nam là thị trường có độ mở đủ, chỉ còn vài việc cần hoàn thiện.
Ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư, Tập đoàn VinaCapital
Về độ mở không có vấn đề gì, tuy nhiên có thể tốt hơn ví dụ như việc mở tài khoản giao dịch chứng khoán ở Việt Nam cũng tương đối phức tạp đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nếu quy trình mở tài khoản dễ hơn thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham gia nhiều hơn. Nhà đầu tư nước ngoài cũng muốn biết là nhà đầu tư Việt Nam khi chọn lựa thì họ chọn sản phẩm gì? Hiện nay, sản phẩm dành nhà đầu tư Việt Nam rất hạn chế. Trong khi ở những nước như Singapore, hay bên Châu Âu thì người dân của họ có thể đầu tư tài sản trong nước và tài sản ở nước ngoài. Hy vọng là các nhà đầu tư Việt Nam cũng sẽ sớm có những lựa chọn đa dạng như vậy.
BTV Mùi Khánh Ly: Vậy các ông đánh giá như thế nào về nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng trong thời gian tới?
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital: Trên thế giới cũng như trong khu vực, các nhà đầu tư ngoài lãnh thổ Việt Nam đang bắt đầu hình thành một cách nhìn đối với Việt Nam như một đầu tàu kinh tế của khu vực ASEAN. Tôi nghĩ dần về sau này, cách nhìn của nhà đầu tư đối với sức mạnh và quy mô, mức độ dẫn đầu của thị trường tài chính Việt Nam sẽ ngày càng khác đi.
Quy mô của thị trường chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lên, mức độ phát triển về các công cụ, công nghệ, về cách phục vụ khách hàng, dù là khách hàng doanh nghiệp hay khách hàng cá nhân sẽ ngày càng phát triển và hiện đại, Việt Nam không thua kém ai.
Thứ 3 là vai trò của các thành phần khác nhau hoạt động trên thị trường chứng khoán sẽ cần đa dạng hóa, bên cạnh nhà đầu tư cá nhân thì chúng ta nên có nhà đầu tư tổ chức, các quỹ bảo hiểm... để đa dạng hoá hoạt động hàng ngày trên thị trường.
Thứ 4 là sự hiểu biết của các nhà đầu tư và doanh nghiệp niêm yết ngày càng nâng cao về quản trị công ty, nâng cao chất lượng doanh nghiệp hiệu quả hơn, an toàn hơn…Nếu được hết những điểm trước thì thị trường sẽ phát triển lớn mạnh và có chi phí rẻ hơn cho cả người phát hành cũng như là nhà đầu tư.
Ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư, Tập đoàn VinaCapital:
Chúng tôi hy vọng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng, nếu nhà nước Việt Nam đầu tư tiền vào xây dựng, hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động. Thứ 2 là cần đầu tư nhiều vào giáo dục bởi sớm muộn chi phí lao động ở Việt Nam sẽ tăng, khi chi phí lao động tăng thì nhu cầu kiến thức và kinh nghiệm để tăng năng suất lao động, cũng sẽ phải tăng theo, qua đó gia tăng sự cạnh tranh. Nếu Việt Nam tăng trưởng từ 6% đến 7% đều đều trong 5 năm tới, các doanh nghiệp sẽ có thể tăng lợi nhuận từ 10% đến 20% thì chứng tỏ là chất lượng của thị trường chứng khoán ổn định. Dạo gần đây thì tiền đồng rất ổn so với đồng USD. Đây là yếu tố rất quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài, bởi nếu đồng USD mà tăng lên thì họ sẽ bị giảm lợi nhuận. Tuy nhiên, trong khoảng ba năm vừa rồi thì tiền đồng rất ổn định, đó là tín hiệu đáng mừng và hy vọng trong tương lai thì tiền đồng tương đối ổn hoặc tăng so với USD.
BTV Mùi Khánh Ly: Xin cảm ơn hai ông về những chia sẻ vừa rồi.