Cụ thể, ngay trong Bản tin thời sự 19h của VTV, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ( UBCKNN đã trả lời phóng viên VTV về chuỗi giảm mạnh của thị trường vừa qua.
Theo đó, ông Sơn cho biết chuỗi ngày giảm mạnh có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là thị trường đã có giai đoạn tăng trưởng mạnh trong năm 2017 và quý I/2018. Vì vậy đợt giảm này nằm trong xu thế điều chỉnh. Cùng với đó là nhà đầu tư cũng có tâm lý chốt lời bán ra.
Thứ hai, lượng cung hàng lớn lên niêm yết trên sàn chứng khoán cũng ảnh hưởng tới diễn biến chỉ số và cần phải có một khoảng thời gian để hấp thụ.
Đề cập đến yếu tố bên ngoài, ông Sơn cho rằng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, địa chính trị thế giới cũng ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư. Riêng việc Mỹ tăng lãi suất thời gian qua cũng làm dịch chuyển các dòng vốn trên thế giới.
Ông Sơn khuyến cáo nhà đầu tư cần bình tĩnh, đầu tư chứng khoán theo giá trị dài hạn. "Thị trường có lên có xuống nhưng vẫn đảm bảo nhờ sự ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ tích cực. Các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả bởi có hơn 90% doanh nghiệp niêm yết 2 sàn đều có tăng trưởng tốt".
Cùng với đó, Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt cổ phần hóa để đưa hàng hóa chất lượng lên sàn, vị lãnh đạo UBCKNN nói thêm.
Xuất hiện trong bản tin Tài chính Kinh doanh lúc 21h40, ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành, Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh ( HOSE ), và ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty chứng khoán Sài Gòn ( SSI ) cũng đưa ra những quan điểm trấn an thị trường.
Theo ông Trung, đợt sụt giảm này của thị trường xuất hiện không như kỳ vọng của cả nhà đầu tư và cơ quan quản lý. Tuy nhiên đã có những tín hiệu tích cực hơn ở phiên 28/5. Đầu tiên đó là việc nhịp giảm sâu đã có sự chuyển hướng sang nhóm cổ phiếu Midcap.
"Áp lực bán giải chấp từ CTCK top đầu chỉ 40-50 tỷ đồng", ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Ủy viên HĐQT, Sở GDCK TP HCM.
Trước đây, khi thị trường tăng thì nhóm cổ phiếu Large-cap (vốn hóa lớn) sẽ tăng đầu tiên và sau đấy sẽ chuyển sang nhóm Midcap. Điều này cho thấy thị trường sắp quay về thời gian ổn định.
Thứ hai là việc dù cho nhóm cổ phiếu dẫn dắt là ngân hàng vẫn giảm nhưng nhóm cổ phiếu bất động sản thậm chí vẫn tăng.
Theo khảo sát của lãnh đạo HOSE, tại các công ty chứng khoán top đầu, áp lực bán giải chấp chỉ từ 40-50 tỷ đồng phiên 28/5. So với giá trị giao dịch hơn 6.000 tỷ đồng của HOSE, đây là con số không đáng kể. Vì vậy, áp lực bán ra chủ yếu là do nhà đầu tư chốt lời hoặc cắt lỗ hơn là từ do áp lực giải chấp.
Còn theo ông Nguyễn Duy Hưng, thị trường đã tăng trong vòng thời gian rất ngắn từ 900 lên 1.200 điểm. Lý do tăng là do cổ phiếu vốn hóa lớn kéo VN-Index. Các cổ phiếu này đã phát hành ra tận dụng cơ hội để tăng vốn, huy động vốn trên thị trường.
Khi dòng tiền không kịp vào để đáp ứng thì các cổ phiếu này đảo chiều. Cổ phiếu lớn kéo theo VN-Index giảm điểm và nhà đầu tư nhìn Index giảm đã tháo chạy cả cổ phiếu đã tăng mạnh và cổ phiếu chưa tăng.
Không thể nói giảm do thị trường chứng khoán đang xấu vì rõ ràng vẫn huy động được vốn lớn. Chỉ có thể cho rằng cung cầu thị trường chưa gặp nhau.
Với lo ngại nhà đầu tư nước ngoài rút ròng khỏi thị trường, ông Hưng cho rằng dòng tiền từ khối ngoại rút ròng không lớn so với tiền đổ vào qua IPO.
Theo quan điểm của ông Hưng: "Trong các chuyến công tác gần đây, nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm tới thị trường Việt Nam. Việc đưa mã cổ phiếu lớn cũng buộc nhà đầu tư ngoại phải cân bằng danh mục, họ buộc phải bán cổ phiếu này mua cổ phiếu khác".