Trong suốt 3 tuần cách ly xã hội, bắt đầu từ ngày ¼ tới nay (21/4), Vn-Index tăng 132 điểm với 13 phiên tăng điểm, duy nhất một phiên giảm. Nhiều người không thể lý giải nổi đà tăng của thị trường trong bối cảnh hiện tại, khi khối ngoại vẫn bán ròng và thông tin tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn khá ảm đạm.
Tuy nhiên, thị trường luôn có lý do của nó, nhà đầu tư giao dịch cổ phiếu dựa theo dòng tiền. Rõ ràng trong suốt 3 tuần qua đã có một lượng tiền mới mua mạnh các cổ phiếu cơ bản, kích thích lòng tham của các nhà đầu tư. Và dòng tiền mới này, một phần đến từ cổ đông nội bộ của các doanh nghiệp.
Vn-Index đã chứng kiến sự sụt giảm nhanh và mạnh trong hầu hết tháng 3, với những phiên giảm 40-50 điểm khiến nhiều cổ phiếu rơi tự do 40-50% so với cuối năm 2019 và có giá thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Điều này đã khiến lãnh đạo các doanh nghiệp ra quyết định mua vào một lượng lớn cổ phiếu quỹ, hoặc đăng ký mua vào để đỡ giá cổ phiếu, khi nhận thấy thị trường đang quá bán và định giá sai về công ty.
Thống kê số liệu cho thấy, trong nửa cuối tháng 3 đến giữa tháng 4, đã có 21 công ty đăng ký mua vào cổ phiếu quỹ, với số lượng 248.750.000 cổ phiếu. Trong đó, một số công ty như GEX, KDH, GMD, PAN đăng ký mua hơn 20 triệu cổ phiếu.
Các công ty đăng ký mua cổ phiếu quỹ
Rất nhiều cổ đông nội bộ các doanh nghiệp lớn đăng ký mua cổ phiếu ở vùng đáy, với số lượng ước tính khoảng hơn 128 triệu đơn vị. Và sau 3 tuần tăng điểm của Vn-Index, các giao dịch này phần lớn đều đem lại "quả ngọt".
Giao dịch mua vào của cổ đông nội bộ các doanh nghiệp khi thị trường giảm sâu
Con trai Chủ tịch Hòa Phát lãi 140 tỷ sau 3 tuần
Hai cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới di động và HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát đã tăng 43% và 34% so với đáy.
Diễn biến giá HPG
Thời điểm khi thị trường trắng bảng bên mua và các nhà đầu tư nước ngoài bán hàng triệu cổ phiếu HPG, ông Trần Vũ Minh, con trai ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát, đã đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu. Sau giao dịch, giá cổ phiếu HPG tiếp tục giảm từ vùng 18.500 đồng/cp xuống 15.900 đồng/cp, khiến Trần Vũ Minh lỗ hơn 28 tỷ ngay sau khi hoàn tất giao dịch. Ngay sau đó, ông này tiếp tục đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu HPG, nâng số lượng nắm giữ lên 40 triệu cổ phiếu.
Một cổ đông khác của HPG là ông Tạ Tuấn Quang, thành viên HĐQT đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu. Giá cổ phiếu HPG khi đó đã đảo chiều tăng điểm mạnh mẽ, từ 15.800 đồng/cp hiện đang giao dịch ở mức giá 21.000 đồng/cp. Mang lại khoản lãi cho con trai ông Trần Đình Long khoảng hơn 140 tỷ đồng chỉ sau 3 tuần.
Giá CP MWG
Trong khi đó, MWG là cổ phiếu trong top giảm mạnh nhất thị trường, từ 107.000 đồng/cp thời điểm trước khi có dịch, rơi xuống vùng 58.000 đồng/cp. Các lãnh đạo MWG khi đó đăng ký mua vào cổ phiếu và tổ chức cuộc họp trực tuyến với các nhà phân tích, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG lên tiếng trấn an nhà đầu tư và khẳng định công ty vẫn hoạt động tốt, cắt giảm chi phí mạnh mẽ.
Sau cuộc họp, giá cổ phiếu MWG hồi phục mạnh mẽ lên vùng 84.300 đồng/cp, mang lại lợi nhuận lớn cho lãnh đạo MWG. Trong đó, ông Nguyễn Đức Tài đăng ký mua 500.000 cổ phiếu, tạm ghi nhận lãi hơn 10,5 tỷ đồng, Trưởng ban Kiểm soát Trần Huy Thanh Tùng và vợ mua số lượng 500.000 cổ phiếu, lãi hơn 10,5 tỷ, ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc Bách Hóa Xanh, đăng ký mua 720.000 cp, lãi hơn 15 tỷ. Tỷ suất lợi nhuận các khoản đầu tư bắt đáy vào khoảng 33%.
Giá cổ phiếu PNJ
Bà Trần Ngọc Phương Thảo, con gái bà Cao Thị Mỹ Dung, Chủ tịch HĐQT CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu PNJ, thời gian giao dịch bắt đầu từ ngày 25/3. Khi đó, giá cổ phiếu PNJ vào khoảng 53.700 đồng/cp. Ngày 31/3, giá cổ phiếu PNJ giảm sâu xuống 48.600 đồng/cp.
Ban lãnh đạo PNJ họp trực tuyến và chia sẻ thông tin nhờ nhu cầu vàng miếng tăng cao nên PNJ vẫn ghi nhận doanh thu 5.000 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 411 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Sau các thông tin tích cực được đưa ra, giá cổ phiếu PNJ tăng mạnh lên trên 60.000 đồng/cp, mang về khoản lãi gần 13 tỷ đồng cho bà Trần Ngọc Phương Thảo.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu
Ông Đặng Văn Thành, chồng bà Huỳnh Bích Ngọc, Chủ tịch HĐQT SBT mua vào 10 triệu cổ phiếu
Lãnh đạo các công ty đăng ký mua lượng lớn cổ phiếu có thể kể đến như ông Đặng Văn Thành, bố bà Đặng Huỳnh Ức My, Chủ tịch HĐQT Thành Thành Công – Biên Hòa (SBT) mua 10 triệu cổ phiếu, lãi 18% sau 3 tuần, tương đương 23,5 tỷ đồng; ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (mã NVL), đã mua vào 5 triệu cổ phiếu từ ngày 20/3, lãi khoảng 8,5 tỷ đồng, ông Nhơn đăng ký mua tiếp 10 triệu cổ phiếu NVL sau khi giá cổ phiếu này thấp nhất trong 2 năm. Dự kiến ông Nhơn sẽ phải chi ra hơn 765 tỷ để mua thành công lượng cổ phiếu đã đăng ký.
Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn dự kiến chi hơn 750 tỷ để gom mua cổ phiếu giai đoạn này
Hầu hết các giao dịch bắt đáy cổ phiếu của các cổ đông nội bộ doanh nghiệp ghi nhận mức lãi từ 10-33% sau 3 tuần, trừ giao dịch mua vào 12 triệu cổ phiếu của ông Nguyễn Đức Giang, con trai Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh. Ông này đăng ký giao dịch từ ngày 15/4-14/5, nếu tính giá tham chiếu ngày 15/4 thì ở mức giá hiện tại ông Giang đang lỗ khoảng 9 tỷ đồng. Tuy nhiên do thời gian đăng ký mua cổ phiếu kéo dài trong 1 tháng, có thể ông Giang sẽ chọn được các mức giá tốt hơn để mua vào khi thị trường điều chỉnh.
Phiên giao dịch sáng nay, thị trường giảm hơn 10 điểm do tác động bởi thông tin giá dầuWTI lần đầu tiên trong lịch sử giao dịch ở mức âm do các nhà đầu tư đóng các vị thế long dầu phái sinh tháng 5 để không phải nhận dầu vật chất vì không có chỗ chứa. Điều này khiến ngay từ đầu phiên các cổ phiếu dầu khí giảm hơn 10% kéo theo tâm lý chốt lời tại hầu hết thị trường. Tuy nhiên một thông tin tích cực hơn chờ đón các nhà đầu tư phía trước, đó là ngày mai Thủ tướng sẽ quyết định về việc có tiếp tục cách ly xã hội tại các tỉnh thành có nguy cơ cao như Hà Nội, Tp.HCM. Đã 5 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới và Thủ tướng nhìn nhận cần từng bước nới lỏng, khôi phục các hoạt động xã hội nhưng không được để tình trạng chủ quan, coi thường khiến dịch bệnh bùng phát. Thông tin này có thể sẽ mở ra ánh sáng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ và sản xuất.