Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý rộng rãi vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức (CBCC) và Luật Viên chức. Đánh giá về Luật Cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ cho rằng, sau một thời gian triển khai thực hiện, một số quy định của Luật CBCC đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện.
Cụ thể, đối với đội ngũ người đứng đầu của các doanh nghiệp nhà nước, mặc dù Luật Viên chức và các Nghị định đã quy định tương đối chi tiết nhưng trên thực tế số lượng đơn vị sự nghiệp công lập rất lớn, đa dạng về loại hình, lĩnh vực hoạt động và cách thức tổ chức quản lý nên còn cách hiểu khác nhau về “bộ máy lãnh đạo, quản lý” dẫn đến việc áp dụng gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, trong số công chức thuộc bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và thực hiện hoạt động nghề nghiệp, rất ít trường hợp chuyển sang giữ ngạch công chức. Điều này dẫn đến những vướng mắc, không thống nhất trong việc thực hiện chế độ, chính sách và áp dụng cơ chế quản lý đối với những người này.
Bỏ quy định lãnh đạo DNNN phải là công chức sẽ giúp NSNN tiết kiệm được hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Ảnh minh họa: KT
Do đó, Bộ Nội vụ đề xuất phương án sửa đổi, đó là không quy định là công chức đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý trong đơn vị SNCL (trừ các đơn vị SNCL phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước); bỏ quy định áp dụng Luật CBCC chức đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước.
Theo Bộ Nội vụ, việc không quy định công chức là những người đang làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập và không áp dụng pháp luật về cán bộ công chức đối với những người là Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và những người giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp bảo đảm những người này hoạt động đúng vị trí, chức năng, đúng bản chất hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp.
Điều này sẽ giúp cho các đơn vị sự nghiệp công lập, các doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Quy định cũng sẽ tạo sự công bằng về quyền lợi, trách nhiệm giữa đội ngũ cùng công tác trong một đơn vị, đề cao trách nhiệm, chủ động của doanh nghiệp nhà nước cũng như đơn vị sự công lập.
“Việc không quy định đội ngũ giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập là cán bộ, công chức sẽ giúp ngân sách nhà nước tiết kiệm được hàng trăm tỉ đồng mỗi năm (chi phí đào tạo, báo cáo đánh giá…), chưa kể những chi phí vô hình (thời gian vật chất cho các cuộc hội họp, kiểm điểm, đánh giá với tư cách là công chức, những phát sinh khi phải hỏi ý kiến cơ quan có thẩm quyền về các vấn đề có liên quan)”, Bộ Nội vụ đánh giá.
Bên cạnh đó, việc bỏ quy định áp dụng Luật CBCC đối với những người là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên HĐQT, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và những người giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp cũng góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí vật chất, phòng chống tham ô, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí./.