Mới đây, bà Vũ Thị Hải - Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã chứng khoán: DLG) đã đăng ký mua vào 10 triệu cổ phần DLG.
Nếu giao dịch thành công, bà Hải sẽ nâng tỷ lệ nắm giữ từ 0,012% lên 3,353% vốn điều lệ tại Đức Long Gia Lai. Thời gian dự kiến từ ngày 21/6-20/7/2021, theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận.
Trên thị trường, cổ phiếu DLG biến động khá thất thường, đan xen giữa những quãng tăng kịch trần và nằm sàn, thị giá chỉ loanh quanh "cốc trà đá" trong suốt nhiều năm qua. Chốt phiên 16/6, DLG tăng 6,73% giá trị lên mức 3.330 đồng/cổ phiếu.
Ước tính theo thị giá hiện tại, bà Hải sẽ chi ra khoản tiền 33 tỷ đồng để gia tăng sở hữu tại Đức Long Gia Lai.
Diễn biến liên quan, trong ngày 11/6, hai cha con là cổ đông Nguyễn Đăng Quang cùng cổ đông Nguyễn Hải đã lần lượt thoái 1,03 triệu và 642 nghìn cổ phiếu DLG nhằm cơ cấu danh mục đầu tư. Theo đó, nhóm cổ đông này còn nắm giữ xấp xỉ 20,75 triệu cổ phần, tương đương 6,93% vốn DLG.
Giao dịch bán chỉ diễn ra sau 2 ngày khi ngày 9/6, ông Quang và ông Hải vừa gom hơn 1,9 triệu cổ phiếu DLG, qua đó gia tăng tỷ lệ lên hơn 22,5 triệu cổ phần, ứng với 7,52% vốn.
Ngày 19/6 tới đây, Đức Long Gia Lai dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Trong tài liệu đã công bố, HĐQT trình cổ đông thông qua việc đổi tên thành CTCP Tập đoàn Đức Long (viết tắt là DL Group), nhận định đây sẽ là bước đi giúp “thay đổi vận mệnh Công ty”.
DLG đề ra kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn 2021-2023 với chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng qua từng năm, phần lớn doanh thu được kỳ vọng đến từ lĩnh vực sản xuất điện tử, thu phí các dự án BOT Quốc lộ 14, đầu tư và kinh doanh bất động sản, năng lượng.
Trong đó, doanh thu và lợi nhuận năm 2021 mục tiêu lần lượt là 2.000 tỷ đồng và 50 tỷ đồng, kỳ vọng thu lãi từ các dự án BOT Đắk Nông, công ty Mass Noble và lĩnh vực điện. Đặc biệt, DLG dự kiến công ty mẹ vẫn sẽ lỗ 63 tỷ đồng trong năm nay.