Thị trường thương mại điện tử ở những quốc gia như Trung Quốc… đang mang lại nguồn thu cực kỳ khổng lồ cho các ông chủ sở hữu, đơn cử tỷ phú JackMa thông qua Alibaba. Trong khi đó, tại Việt Nam đây vẫn đang là sân chơi "đốt tiền", khi hầu hết các đơn vị tham gia đều đang thua lỗ.
Ai cũng thấy các kênh thương mại điện tử hầu hết đều thua lỗ, nhưng họ vẫn đầu tư
Song, thương mại điện tử là một xu hướng tất yếu, và mặc dù chưa hiệu quả hầu hết các doanh nghiệp Việt phải sớm gia nhập. Không dừng lại ở những tên tuổi lớn như Adayroi của Vingroup, Sendo.vn (Sendo) của FPT, Tiki của VNG… nhiều đơn vị khác cũng thành lập trang thương mại điện tử riêng, để thúc đẩy doanh số, tiếp cận tối đa các nhóm khác hàng đồng thời mở rộng thị trường sang quốc gia khu vực, thậm chí toàn cầu.
Lấy ví dụ Tập đoàn Thiên Long năm 2018 chính thức thành lập kênh flexoffice.com, lĩnh vực mà theo quan điểm Chủ tịch Cô Gia Thọ: "Ai cũng thấy các kênh thương mại điện tử hầu hết đều thua lỗ, nhưng họ vẫn đầu tư, và Thiên Long cũng vậy – đây là đầu tư chấp nhận bỏ ra cho tương lai. Bởi, xu hướng tương lai là online, chẳng hạn Alibaba ở Trung Quốc đang phát triển rất mạnh… và Thiên Long tin rằng thị trường Việt Nam tương lai cũng vậy, khi mảng online bắt đầu đi vào thu hoạch thì Thiên Long đã có sẵn platform, còn hiện tại thì sẽ không đầu tư vội vì phải cân đối hiệu quả".
Đồng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT – ông Nguyễn Thế Phương – khẳng định: "Sendo là một sàn thương mại điện tử, ở Việt Nam có rất nhiều đơn vị và cạnh tranh khốc liệt. Trong bối cảnh này thì lỗ là chuyện bình thường".
Ghi nhận, trang Shopee thua lỗ hàng trăm tỷ đã 3 năm liên tiếp, chi tiết đơn vị này ghi nhận lỗ 164 tỷ đồng ngay trong năm đầu tiên tham gia thị trường Việt Nam (năm 2016), một năm sau mức lỗ tăng lên hơn 600 tỷ đồng (năm 2017) và chính thức vượt mốc lỗ ngàn tỷ đến cuối năm 2018.
Hay Lazada cũng ghi nhận mức lỗ hơn 2.100 tỷ đồng trong năm ngoái, CTCP VNG cũng phải gánh khoản lỗ 756.7 tỷ đồng từ Tiki (công ty liên kết do VNG sở hữu 28,88% vốn, với giá trị đầu tư 506.3 tỷ đồng).
Ba trang thương mại điện tử lớn đã lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng
Sendo.vn sẽ kêu gọi thêm nhà đầu tư
Riêng với Sendo, FPT hiện không sở hữu đa số phần vốn, đồng thời ông Phương cho biết đã, đang và sẽ mời gọi các nhà đầu tư bên ngoài tham gia vào, cùng đầu tư hỗ trợ cho chiến lược dài hạn. Hiện, Sendo nhận rất nhiều sự quan tâm từ các bên.
Về Sendo, vào tháng 9/2012, Sendo.vn ra mắt người tiêu dùng, xuất thân là một dự án Thương mại Điện tử do Công ty CP Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online) phát triển. Đến ngày 13/5/2014, Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ được thành lập, trực thuộc Tập đoàn FPT, là đơn vị chủ quản Siêu Chợ Sen Đỏ.
Theo công bố của cộng đồng mua sắm online Đông Nam Á, Sendo hiện là một trong 10 sàn thương mại điện tử hàng đầu khu vực, tăng trưởng cao trong năm 2018. Tại Việt Nam, Sendo được liệt kê vào danh sách những sàn thương mại điện tử dẫn đầu tại Việt Nam bên cạnh Lazada, Shopee, Tiki, Adayroi.
Năm ngoái, sàn thương mại điện tử đã nhận được khoản đầu tư 51 triệu USD từ 8 nhà đầu tư lớn, gồm SBI Nhật Bản, SoftBank Ventures Korea, Daiwa PI Partners và SKS Ventures, FPT, eContext Asia, BeeNext và Beenos. Thông qua đây, các đơn vị kể trên muốn thâm nhập vào thị trường thương mại điện tử vốn đang bùng nổ ở quốc gia Đông Nam Á này.
Thông tin phía Sendo ghi nhận, tổng giá trị giao dịch (số tiền hàng hóa bán được trên nền tảng online) trong 3 năm tính tới 2017 tăng gần gấp 20 lần. Sendo sẽ sử dụng một phần vốn mới huy động được để mở rộng dịch vụ, nhắm tới nâng tổng giá trị hàng hóa giao dịch trên sàn đạt 1 tỷ USD vào năm 2020.