Tại Đối thoại tháng 7 về nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư do CLB Nhà báo chứng khoán tổ chức sáng ngày 19/7, bà Nguyễn Linh Phương - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thừa nhận, năm 2024 là năm khó khăn đối với điều hành chính sách tiền tệ và ngoại hối. Việc Cục dự trữ liên bang Mỹ vẫn tiếp tục duy trì lãi suất cao và kéo dài và việc kéo dài này lớn hơn so với dự kiến.
Như cuối năm ngoái, có dự báo cho rằng Fed hạ lãi suất bắt đầu từ tháng 6, tuy nhiên việc hạ lãi suất này càng ngày càng lùi lại. Thông tin gần đây cho rằng Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng 9, nhưng thông tin này chưa phải là chắc chắn.
Việc này ảnh hưởng tới luồng vốn. Trong khi đó, vào năm ngoái NHNN liên tục giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế, dẫn tới chênh giữa lãi suất đồng Việt Nam và USD duy trì ở mức âm cao, tác động lớn tới tỷ giá và sự ổn định của thị trường ngoại tệ.
Mặt khác, nhu cầu ngoại tệ lớn để thanh toán nhập khẩu trong quá trình kinh tế hồi phục cũng là áp lực lớn.
Vì vậy, thời gian qua, trong điều hành vừa qua NHNN cũng phải nỗ lực để ổn định thị trường tiền tệ, ổn định tỷ giá, trong đó có động thái bán ngoại tệ can thiệp.
Thực ra, NHNN nhiều năm qua hoặc mua hoặc bán ngoại tệ can thiệp, rất hiếm năm không phải làm gì. Thị trường ngoại tệ vận động không ngừng với luồng vốn ra luồng vốn vào, NHNN với tư cách là người mua/bán cuối cùng khi thị trường dư cung, NHNN mua ngoại tệ vào tăng dự trữ ngoại hối. Ngược lại, khi thị trường thiết NHNN bán ra.
"Dự trữ ngoại hối như hồ điều hòa liên tục. Tính chuỗi dài nhiều năm liên tục, dự trữ ngoại hối đã tăng đáng kể. So với cuối năm 2015, dự trữ ngoại hối tăng gần 3 lần", bà Phương nói và thông tin thêm, vừa qua, trước áp lực tỷ giá, NHNN bán ngoại tệ ra đáp ứng nhu cầu hợp pháp của nền kinh tế, trong đó 1 phần tương đối lớn là nhu cầu của nhà đầu tư (NĐT) gián tiếp.
NĐT nước ngoài lo ngại về rủi ro tỷ giá?
Liên quan đến vấn đề này, bà Phương cho hay, từ tháng 4 đến nay hệ thống ngân hàng bán ròng ngoại tệ cho NĐT gián tiếp khá lớn. Tỷ giá từ tháng 4 đến nay, không biến động đáng kể so với các nước khác trong khu vực. So với cuối năm ngoái, tỷ giá chỉ tăng khoảng hơn 4%, trong khi các quốc gia khác mất giá 5 – 7%. Theo bà Phương, mức giảm giá của VNĐ là phù hợp.
Về biện pháp can thiệp can thiệp ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối, NHNN có các nghiệp vụ điều tiết tiền đồng hợp lý. Hàng ngày NHNN có 2 phiên vừa bơm vừa hút tiền. Bơm cho chỗ thiếu và hút chỗ thừa.
Định hướng trong thời gian tới, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, NHNN vẫn nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo thị trường tiền tệ, ngoại tệ duy trì thông suốt. Đảm bảo tỷ giá và lãi suất diễn biến phù hợp góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Những áp lực hiện nay đã giảm khá nhiều so với trước kia, bà Phương hy vọng khó khăn của thị trường sớm kết thúc.
Cơ hội của NĐT tổ chức nước ngoài khi hệ thống các TCTD tái cấu trúc?
Chia sẻ tại Đối thoại vềCơ hội của NĐT tổ chức nước ngoài khi hệ thống các TCTD tái cấu trúc?, bà Phương nêu rõ: Đề án tái cơ cấu TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025, cũng như tại kế hoạch hành động của NHNN thực hiện đề án trên. Trong 2 văn bản trên có nhiệm vụ rất cụ thể, đó là thu hút nhà đầu tư có năng lực trong và ngoài nước tham gia vào quá trình tái cơ cấu hệ thống tín dụng. Từ đó, có thể thấy việc thu hút dòng vốn ngoại được xem là một trong những giải pháp quan trọng nâng cao năng lực tài chính và quản trị của tổ chức tín dụng.
Trong thời gian qua, nhiều giải pháp đã được triển khai.
Thứ nhất, Luật TCTD 2024 có sửa đổi quy định để nâng cao tính minh bạch của hệ thống, giảm thiểu rủi ro nâng cao sự an toàn hệ thống. Trong đó, nổi bật như quy định cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ của TCTD phải công bố thông tin, hay giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông, qua đó giảm khả năng sở hữu chéo, khả năng thao túng tại các ngân hàng thương mại.
Hai là, triển khai tích cực chuẩn mực Basel 2 và 3 và đã có những tác động tích cực. Một mặt, thúc đẩy công bố thông tin, nâng cao nhận thức về rủi ro, qua đó giúp các đối tác hay người gửi tin có thể giám sát các hoạt động của NHTM tốt hơn. Mặt khác, giúp các NHTM đánh giá chính xác hơn yêu cầu về nâng vốn, cũng như năng lực quản trị, rủi ro của ngân hàng.
Ba là, liên quan đến tỷ lệ sở hữu của NDDT nước ngoài tại các NHTM. Quy định Nghị định 01/2014, quy định NĐT nước ngoài tư cách là NĐT chiến lược có thể sở hữu lên tới 20% vốn điều lệ, tổng sở hữu không quá 30% vốn điều lệ.
Vừa qua dự thảo sửa đổi Nghị định 01 được trình lên Thủ tướng để sửa đổi ban hành, có số thay đổi quan trọng như với các NHTM nhận chuyển giao bắt buộc, tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài có thể lên tới 49%.
"Tôi cho rằng, NĐT tổ chức nước ngoài có cơ hội đầu tư hợp tác, phát triển đa dạng tham gia vào quá trình tái cơ cấu các TCTD hướng tới chuẩn mực cao và bền vững hơn", bà Phương nhấn mạnh.