Ngày 25/2, trong buổi đối thoại cùng ông John Kerry - đặc phái viên của tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu diễn ra tại Đại học Fulbright Việt Nam (cơ sở quận 7, TP.HCM), bà Đàm Bích Thủy - Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam đã công bố khoản hiến tặng được 8 nhà tài trợ và gia đình cam kết dành cho trường với tổng giá trị lên tới 40 triệu USD (912,8 tỷ đồng). Đây là một trong những khoản hiến tặng tư nhân lớn nhất từ trước đến nay cho một tổ chức giáo dục tại Việt Nam.
8 nhà tài trợ của dự án này gồm ông Nguyễn Bảo Hoàng và bà Nguyễn Thanh Phượng (Phoenix Holdings), ông Lê Văn Kiểm và bà Lê Nữ Thuỳ Dương (Golf Long Thành), ông Trần Trọng Kiên (Thiên Minh Group), ông Đỗ Viết Cường (cựu Giám đốc Chiến lược Toàn cầu Samsung), ông Lê Hồng Minh (VNG), ông Vương Quang Khải (Zalo) và ông Lương Tuấn Nghĩa (Evergreen Invest).
Theo Fullbright công bố, đây đồng thời là 8 thành viên của "Hội đồng sáng lập trường". Sự kiện này cho thấy bước phát triển quan trọng trong văn hoá thiện nguyện ở Việt Nam, đặc biệt là sự quan tâm dành cho ngành giáo dục.
Với diện tích rộng 15ha do Chính phủ Việt Nam trao tặng, khuôn viên chính của Đại học Fulbright đang được xây dựng tại Khu Công nghệ Cao Thành phố Hồ Chí Minh. Với vai trò một phòng thí nghiệm sống động về phát triển bền vững, đây sẽ là khu phức hợp giáo dục tiên tiến nhất về môi trường từng được xây dựng tại Việt Nam.
Phối cảnh ĐH Fulbright Việt Nam tại Khu Công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: ĐH Fulbright Việt Nam
Bà Đàm Bích Thuỷ, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ: “Đại học Fulbright vô cùng may mắn và vinh dự đón nhận món quà hào phóng này từ những thành viên đầu tiên của Hội đồng Sáng lập. Sự ủng hộ lớn lao này sẽ giúp chúng tôi biến giấc mơ táo bạo về một trường đại học xanh đầu tiên của Việt Nam trở thành hiện thực, một ngôi nhà của những thế hệ lãnh đạo tương lai, nơi mọi đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững và tinh thần phụng sự công luôn được ươm dưỡng và lan toả mạnh mẽ".
Cũng trong ngày 25/2, Đại học Fulbright Việt Nam công bố sẽ tiếp nhận khoản tài chính trị giá 37 triệu USD dưới hình thức một khoản vay trực tiếp thời hạn 20 năm từ tổ chức Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (DFC).
Mục tiêu khoản vay là hỗ trợ xây dựng giai đoạn I của dự án xây dựng ký túc xá, các tòa nhà phục vụ cho hoạt động đào tạo, nhà ăn và nơi giải trí cho 1.500 sinh viên Fullbright. Bên cạnh đó, nhà trường cam kết tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực gây quỹ để sớm hoàn thiện khuôn viên tổng thể, đủ năng lực tiếp nhận khoảng 7.000 sinh viên từ khắp Việt Nam.
Được biết, Fulbright Việt Nam là một trường đại học phi lợi nhuận, thành lập dưới sự tài trợ của Chính phủ Mỹ và được Quỹ tín thác sáng kiến ĐH Việt Nam (TUIV) đầu tư tại TP.HCM.
Vốn đầu tư thực hiện dự án Trường Đại học Fulbright Việt Nam là 70 triệu đô la Mỹ. Trong đó, mức đầu tư giai đoạn đầu (đến năm 2016) là 5,3 triệu đô la Mỹ, giai đoạn hai (2017 – 2020) là 20 triệu đô la Mỹ, và giai đoạn ba (2020 – 2030) là 44,7 triệu đô la Mỹ. Cơ sở đào tạo hiện tại của Đại học Fulbright Việt Nam được đặt tại Cresent Plaza (quận 7, TP.HCM) từ năm học 2018-2019, trong thời gian chờ đợi cơ sở chính tại TP Thủ Đức đi vào hoạt động.
Tài chính của quỹ dựa vào học phí, đóng góp thiện nguyện, các khoản tài trợ và nguồn thu từ quỹ trường. Do đó về quản trị, trường không có cổ đông như các trường tư thục khác mà do một hội đồng tín thác độc lập quản lý.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Vietjet Air từng gây xôn xao khi công bố hiến tặng khoản tiền lên tới 155 triệu bảng Anh (hơn 4800 tỷ đồng) từ Sovico Holdings cho Linacre College, một trường thành viên của Đại học Oxford, Anh. Sự kiện Linacre College thông báo đổi tên thành Thao College khi nhận được khoản quyên góp lớn nhất trong lịch sử sau đó nhận được rất nhiều sự chú ý từ dư luận, đặc biệt là cộng đồng doanh nhân, trí thức tại châu Âu và châu Á.