Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên vừa được công bố, lãnh đạo Sacombank cho biết, năm 2018, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng đạt 2.247 tỷ đồng, tăng 50,6%. Tổng tài sản đạt 406.041 tỷ, dư nợ tín dụng đạt 257.172 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 2,11%, giảm tới 2,48% so với năm trước.
Các chỉ số sinh lời cũng cải thiện đáng kể. Trong đó, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản bình quân (ROAa) và tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEa) lần lượt đạt 0,46% và 7,48%; cao hơn so với mức 0,34% và 5,2% của năm 2017. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 780 đồng/cp, cải thiện so với mức 555 đồng/cp năm 2017.
Tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất là 11,88%, tăng 0,58% so với năm 2017, cao hơn mức tối thiểu quy định 9%. Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 37,41%, đảm bảo quy định dưới 45% của NHNN. Tỷ lệ cấp tín dụng trên tổng tiền gửi là 70,12%, đảm bảo không vượt tối đa quy định 80%.
Không có được kết quả tích cực như ngân hàng mẹ, Sacombank cho biết, kết quả lợi nhuận của một số công ty con/ ngân hàng con không đạt như kỳ vọng. Chẳng hạn công ty Kiều hối – SBR bị lỗ 4,2 tỷ đồng, công ty vàng bạc đá quý – SBJ lỗ 8,7 tỷ; Sacombank Campuchia bị lỗ 14,4 triệu USD.
Có kết quả tích cực hơn, Công ty cho thuê tài chính SBL có lãi đạt 65,9 tỷ; Sacombank Lào lãi 1,3 triệu USD; Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản SBA lãi 93,6 tỷ đồng.
Ban điều hành ngân hàng cho rằng sau gần 2 năm triển khai phương án tái cơ cấu sau sáp nhập, Sacombank đã hoàn thành vượt tiến độ các mục tiêu trọng yếu của Đề án.
Tuy nhiên, lãnh đạo nhà băng cũng thừa nhận còn nhiều vấn đề tồn tại, chẳng hạn giá trị tài sản có không sinh lời của ngân hàng còn lớn, quá trình thu hồi, xử lý tài sản thế chấp cần có thời gian dài và phụ thuộc nhiều vào diễn biến của thị trường bất động sản. Tín dụng tăng trưởng thấp nên hạn chế cơ hội gia tăng thu nhập để có thể xử lý nhanh các khoản tồn động.
Lãnh đạo ngân hàng cũng trần tình việc không chia cổ tức cho cổ đông kể từ sau sáp nhập đến nay, là do phải tập trung tái cơ cấu, xử lý các tồn đọng tài chính, dẫn đến tạo tâm lý không hài lòng đối với phần lớn các cổ đông.
Theo tờ trình phương án phân phối lợi nhuận năm tài chính 2018, cổ đông của Sacombank sẽ tiếp tục "trắng" cổ tức trong năm nay do phải tập trung vào tái cơ cấu.
Áp lực nữa với nhà băng này là áp lực tăng vốn ngày càng lớn khi thời điểm áp dụng chuẩn mực Basel II vào năm 2020 đang đến gần trong bối cảnh kêu gọi vốn cổ phần còn khó khăn.