Sáng nay 23/6, Báo Tiền Phong và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Nợ xấu trong đại dịch COVID-19 - Giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp”.
Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Nguyễn Huy Tài – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP SHB cho biết, Nghị quyết 42 của Quốc hội như "làn gió mạnh" thổi vào quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nghị quyết 42 tạo hành lang pháp lý, là cơ sở để các tổ chức tín dụng đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, rút ngắn thời gian xử lý nợ, tiết giảm chi phí. Nghị quyết cũng đã làm thay đổi ý thức trả nợ của khách hàng/bên bảo đảm, khẳng định được quyền của chủ nợ trong giao dịch dân sự vay trả, đồng thời khẳng định quyền cho chủ nợ trong quá trình vay nợ. Nghị quyết 42 được ban hành cho thấy đây không chỉ là mối quan tâm của ngành ngân hàng mà còn là mối quan tâm của toàn dân.
Đồng hành cùng Nghị quyết 42 trong thời gian qua, SHB đã đẩy mạnh công tác thu hồi nợ cụ thể như sau: Nâng cao hiệu quả xử lý, thu hồi nợ xấu nhưng luôn tuân thủ nguyên tắc không gây ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội; Ưu tiên áp dụng các giải pháp thu nợ thông qua thuyết phục, động viên khách hàng hợp tác trả nợ, tự nguyện bàn giao tài sản bảo đảm để SHB chủ động xử lý; Đối với các khách hàng không hợp tác, phân tách tài sản thành các lớp để xử lý, hạn chế tối đa các tác động bất ổn cho trật tự xã hội trong triển khai hoạt động thu giữ tài sản bảo đảm.
SHB ưu tiên thực hiện thu giữ các tài sản đất trống, nhà trống và/hoặc các tài sản khác mà việc thu giữ không gây ảnh hưởng đến cuộc sống an sinh xã hội tối thiểu của chủ tài sản.
Ông Nguyễn Huy Tài – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP SHB nói tại tọa đàm
Các khoản nợ xấu được phân luồng xử lý theo thứ tự ưu tiên sau: (1) Đối với các khách hàng có nguồn trả nợ nhưng bị quá hạn SHB thỏa thuận với khách hàng/bên bảo đảm về việc cho khách hàng nộp tiền để giải chấp tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. (2) Đối với các khách hàng có nguồn trả nợ nhưng bị quá hạn do dòng tiền của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, SHB xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng. (3) Đối với các khoản nợ xấu mà khách hàng không còn khả năng trả nợ, SHB yêu cầu khách hàng/bên bảo đảm hợp tác trả nợ hoặc bàn giao tài sản bảo đảm cho SHB để xử lý thu hồi nợ.
(4) Đối với các khách hàng không hợp tác, chây ì, không thực hiện đúng cam kết, SHB tổ chức thu giữ tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 42 của Quốc hội và tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật. (5) Các trường hợp không đủ điều kiện thu giữ TSBĐ theo Nghị quyết 42 và khách hàng bất hợp tác, SHB tiến hành khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền đề nghị Tòa án phát mại tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu. (6) SHB thực hiện bán khoản nợ xấu cho cá nhân, tổ chức (bao gồm bán nợ cho VAMC) theo giá thị trường.
Ngân hàng cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan nhà nước để giải quyết các vướng mắc liên quan đến công tác thu hồi nợ như: đề nghị cơ quan thi hành án dân sự tổ chức cuộc họp để giải quyết các vướng mắc liên quan đến công tác tổ chức cưỡng chế thi hành án nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản để thu hồi nợ cho SHB; phối hợp với các cơ quan công an, chính quyền địa phương để đẩy mạnh công tác thu giữ tài sản đúng quy định pháp luật….
"Giá cổ phiếu SHB tăng trong thời gian qua cũng một phần nhờ kết quả nợ xấu của Ngân hàng" - ông Tài nói.
Liên quan đến cổ phiếu SHB, trong vòng 1 năm qua giá cổ phiếu này đã tăng gấp hơn 2 lần, có lúc lên đến 32.000 đồng/cổ phiếu, hiện tại (sáng 23/6) ở vùng trên 27.000 đồng. Ngân hàng này hồi tháng 5 vừa qua đã chi trả cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% và đang thực hiện các thủ tục để trả tiếp cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 10,5%.