Chiều ngày 24/1/2019, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – TCB) tổ chức họp báo thông tin về kết quả kinh doanh năm 2018.
Lợi nhuận gần 10.700 tỷ
Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank cho biết, năm 2018 Techcombank đã đạt lợi nhuận tới gần 10.700 tỷ đồng, chỉ đứng sau Vietcombank trong hệ thống ngân hàng Việt. Lợi nhuận trên tổng tài sản (ROAA) đạt 2,9%, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROEA) đạt 21,5%. Vốn chủ sở hữu của ngân hàng đạt 52 nghìn tỷ đồng, cao nhất trong nhóm ngân hàng tư nhân.
Trong khi đó ông Trịnh Bằng, Giám đốc tài chính tập đoàn Techcombank cho biết, lợi nhuận năm 2018 của ngân hàng đã tăng 31% so với năm 2017. Tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt hơn 16.927 tỷ đồng, cao hơn 10% so với năm trước. Kết quả ấn tượng này có được là từ sự tăng trưởng trong tất cả các mảng kinh doanh của ngân hàng, với mức tăng trưởng tín dụng đạt 20% trong khi chất lượng tài sản tiếp tục được đảm bảo với tỷ lệ nợ xấu cuối năm chỉ ở mức 1,8%. Chi phí tín dụng thấp hơn cùng với việc quản lý chi phí tổng thể tốt cũng đã đóng góp vào mức lợi nhuận kỷ lục này.
Cũng theo ông Trịnh Bằng, năm qua thu nhập của ngân hàng được đóng góp bởi thu nhập từ lãi chiếm 66% và ngoài lãi là 34%. Thu nhập ngoài lãi được dẫn dắt bởi tăng trưởng mạnh đến từ trái phiếu, bảo hiểm và thẻ. Ngoài ra, ngân hàng có dự phòng tín dụng thấp và tăng thu nhập từ xử lý nợ cũng giúp ngân hàng lãi cao hơn.
Bổ sung thêm nội dung liên quan đến hoạt động thẻ, ông Phùng Quang Hưng, giám đốc Khối Bán hàng và Kênh phân phối của Techcombank cho biết năm 2018 mảng thẻ của ngân hàng này đã phát triển rất mạnh, riêng về khách hàng sử dụng thẻ tín dụng đã tăng 38%. Ngân hàng cũng đầu tư mạnh về công nghệ thông tin để đảm bảo an toàn, bảo mật cho khách hàng.
Lãnh đạo Techcombank trả lời họp báo chiều 24/1
Kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, quản trị rủi ro tốt
Ông Phùng Quang Hưng cho biết, hiện Techcombank đã nộp hồ sơ lên Ngân hàng Nhà nước để áp dụng Basel II vào quản lý rủi ro và hi vọng sẽ sớm được chấp thuận. Tuy nhiên hiện tại ngân hàng đã ứng dụng quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn này vào trong hoạt động để nâng cao chất lượng hoạt động.
Ông Hưng lấy ví dụ trong hoạt động tín dụng, ngân hàng hiện tập trung vào khách hàng bán lẻ hơn là bán buôn, tức là thay vì tập trung các khoản nợ vào những khách hàng lớn thì xé nhỏ ra các doanh nghiệp vừa và nhỏ để giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng.
Ông Nguyễn Lê Quốc Anh bổ sung thêm, Techcombank là 1 trong những ngân hàng mua lại toàn bộ nợ xấu từ VAMC sớm nhất để tự xử lý và nhờ đó phần dự phòng cho các khoản nợ ấy không còn mà được hoàn nhập vào lợi nhuận khi xử lý xong, chẳng hạn năm vừa qua thu được tới 1.400 tỷ đồng từ xử lý nợ.
Khách hàng là trọng tâm
Bà Trần Thị Minh Lan, Giám đốc Khối Chiến lược và Phát triển Techcombank cho biết, tính đến hết quý 4 vừa qua, Techcombank đã có 13 quý liên tiếp tăng trưởng. Có được kết quả này là nhờ sự kỷ luật của toàn bộ cán bộ nhân viên ngân hàng trong việc thực hiện chiến lược đề ra. "Hơn 8.000 cán bộ nhân viên của chúng tôi đều thấm nhuần chiến lược của ngân hàng đó là đặt khách hàng ở trung tâm trong mọi việc để nghĩ và làm hàng ngày. Chúng tôi phải hiểu khách hàng và tạo ra giá trị cho khách hàng" - bà Lan nói.
Cũng theo bà Minh Lan, Techcombank đã chú trọng phát triển ngân hàng bán lẻ với trọng tâm và tập trung vào 6 nhóm ngành kinh tế quan trọng (đóng góp gần một nửa tổng GDP) bao gồm: nhà ở; ô tô; dịch vụ tài chính; giải trí và du lịch; đồ uống và thực phẩm; và cuối cùng là tiện ích và viễn thông.
Ngoài bán lẻ, Techcombank còn xây dựng chuyển đổi thành công ngân hàng doanh nghiệp (BB). BB tập trung vào việc cấu trúc và giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh và hiện nay đã bắt đầu có hiệu quả rõ rệt với mức tăng trưởng doanh thu của mảng này tới gần 50% trong năm qua.
Chia sẻ thêm về vấn đề khách hàng, ông Phùng Quang Hưng cho biết, ngân hàng đã tập trung nghiên cứu các đối tượng khách hàng và tập trung may đo sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn để làm sao tạo ra được giá trị tối ưu nhất cho khách hàng.
Chú trọng yếu tố con người
Ông Phùng Quang Hưng, giám đốc Khối Bán hàng và Kênh phân phối của Techcombank chia sẻ thêm, có được kết quả kinh doanh ấn tượng năm qua là ngân hàng đã chú trọng phát triển yếu tố con người - nhân sự của ngân hàng.
Theo ông Hưng, trước đây hệ thống cứ trong "vòng xoáy tiêu cực" đó là các ngân hàng lấy người giỏi của nhau. Nhưng trong 3 năm qua, Techcombank đã xây dựng được mạng lưới nhân sự với "vòng xoay tích cực", đó là dựa trên phân khúc khách hàng, ngân hàng đã "may đo" cho phù hợp với các đối tượng nhân viên, phân chia thành các tiểu phân khúc để đào tạo chuyên sâu giúp tăng hiệu quả hoạt động.
"Chúng tôi có đội ngũ tuyển dụng chuyên làm việc với các trường đại học hàng đầu cả nước để săn đón những người giỏi nhất. Chúng tôi tin rằng những người giỏi thì sẽ đào tạo rất nhanh", ông Hưng nói.
Ông Hưng cho biết thêm, ngoài việc quản lý nhân sự tốt thì ngân hàng cũng kiểm soát rất tốt vấn đề chi phí trong năm qua, trong đó đẩy mạnh ở các vị trí hiệu quả song cũng thuyên giảm ở những vị trí không cần thiết...