Doanh nghiệp kêu khó
Tại Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế , hải quan năm 2018 diễn ra sáng 27.11 tại Hà Nội, đại diện các doanh nghiệp (DN) cho rằng, Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Đại diện Tập đoàn Vingroup cho rằng, mục tiêu của Nghị định 20 là chống thất thu thuế ở Việt Nam do tác động của chuyển giá giữa các quốc gia nhưng trên thực tế Nghị định 20, đặc biệt là khoản 3 điều 8 của nghị định lại có ảnh hưởng nhiều đến DN trong nước, đặc biệt là các tập đoàn hoạt động theo mô hình mẹ con.
"Chúng tôi đầu tư vào nhiều lĩnh vực cần nhiều vốn, trong giai đoạn đầu không thể phát sinh được lợi nhuận do đó toàn bộ chi phí lãi vay sẽ không được trừ cho mục đích tính thuế thu nhập doanh nghiệp...
Việc khống chế chi phí lãi vay ở mức 20% sẽ gây ảnh hưởng đến DN, bởi nhiều chi phí lãi vay sẽ không được trừ cho mục đích thuế", đại diện DN này cho biết.
Đại diện ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cho rằng Nghị định không phù hợp, tạo sự bất bình đẳng giữa các DN. Theo đó, Vietcombank chỉ phát sinh giao dịch liên kết trong hoạt động đi thuê văn phòng với công ty mẹ, hoạt động chuyển giá hoàn toàn gần như không thể nhưng DN vẫn phải chịu khống chế lãi vay ở mức 20%.
Các DN đề xuất Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 20 cho phù hợp với điều kiện của các DN trong nước.
Ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế
DN phải chấp nhận cuộc chơi toàn cầu
Trả lời những thắc mắc của các DN, ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, chính sách thuế Việt Nam càng ngày càng phục vụ việc hội nhập sâu vào kinh tế thế giới.
Hội nhập kinh tế thế giới, chúng ta phải thực hiện các cam kết của quốc tế trong việc bình đẳng giữa DN trong nước và quốc tế, trong đó có cắt giảm ưu đãi.
Nghị định 20 thực hiện trên cơ sở khuyến nghị của các nước OECD và các nước G20 yêu cầu phải tập trung trong việc chống chuyển giá, chống xói mòn nguồn thu. Ban hành nghị định 20 là điều kiện tiên quyết để Việt Nam gia nhập diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Theo quy định, mức khống chế lãi vay phải từ 10-30%, chính phủ đã chọn mức trung bình 20%, trên cơ sở khảo sát 12.000 tập đoàn.
Về việc vay giữa các bên liên kết và vay với các bên độc lập đều phải xử lý như nhau - ông Anh Tuấn cũng nói thêm - chúng ta đã có những bài học từ nước Anh khi chỉ khống chế lãi vay của những giao dịch liên kết đã dẫn đến hệ quả nghiêm trọng.
Toàn bộ các công ty đa quốc gia đã tái cơ cấu khoản nợ qua ngân hàng thương mại trung gian, cụ thể là các công ty liên kết, các công ty mẹ con thành các khoản vay giáp lưng, hoàn toàn né tránh, vô hiệu hóa các quy định nêu trên. Và Việt Nam cũng đã ghi nhận những trường hợp như vậy.
"Chỉ có DN Việt Nam mới có ý kiến, còn DN FDI không hề kêu về vấn đề này bởi họ hiểu rất rõ cuộc chơi toàn cầu. Chúng ta đang trong cuộc chơi toàn cầu. Các doanh nghiệp muốn làm ăn toàn cầu nhưng đòi thực hiện chính sách riêng là không thể", ông Tuấn cho biết.