Theo Bloomberg, tính từ đầu năm nay, khối ngoại đã bán ròng hơn 1,5 tỷ USD, mạnh nhất từ trước đến nay trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trả lời về thực trạng khối ngoại bán ròng trên Talkshow Phố Tài chính, cơ quan quản lý nhận định, các nhà đầu tư ngoại đang cơ cấu lại danh mục, bán ròng trên thị trường này nhưng lại mua ròng ở thị trường khác, điều quan trọng là dòng tiền ngoại vẫn ở Việt Nam.
Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Quy mô dòng vốn ngoại 6 tháng đầu năm 2021 đạt mức cao so với thời điểm tháng 12 năm 2020. Dòng vốn ngoại trên thị trường mặc dù có sự thay đổi lúc ra, lúc vào nhưng tổng danh mục của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán là hơn 51,3 tỉ USD. Nếu tính trên quy mô và điều chỉnh danh mục đầu tư thì nhà đầu tư nước ngoài có rút ra trên thị trường cổ phiếu nhưng lại đầu tư trên thị trường trái phiếu. Và mức đầu tư trên thị trường trái phiếu rơi vào hơn 9.000 tỷ đồng. Rõ ràng, dòng vốn nước ngoài vẫn ở Việt Nam, chỉ thay đổi danh mục đầu tư.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, số lượng các quỹ được thành lập mới tăng cả về số lượng lẫn quy mô, điều đó cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư tổ chức đối với thị trường. Hiện, các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ nhìn nhận thị trường ở góc độ mua bán đơn thuần, mà họ còn có quan điểm đi xa hơn nữa là hướng đến các sản phẩm đầu tư bền vững trên thị trường.
Khi nói về việc Việt Nam chưa thực sự có những quỹ "cá mập" tham gia vào thị trường, ông Dũng cho biết, một quỹ lớn bao giờ cũng đi kèm với việc nghiên cứu thị trường, độ an toàn.. rất kỹ chứ không phải là một sớm một chiều họ quyết định đầu tư được. Họ cũng phải nghiên cứu các chính sách và đưa ra khuyến nghị để cải thiện chính sách đó. Và việc một thị trường có các quỹ lớn tham gia vào hay không còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ vốn và quy mô nền kinh tế.
"Hiện giờ, nếu theo định nghĩa của quốc tế thì quy mô doanh nghiệp Việt Nam phần lớn vẫn ở mức độ vừa và nhỏ chứ chưa phải doanh nghiệp lớn. Chính vì vậy, điều cần thiết là các doanh nghiệp phải lớn mạnh thì thị trường mới lớn theo được", ông Dũng chia sẻ.
Còn về độ mở của thị trường chứng khoán Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài, ông Dũng cho biết, so với các nước trong khu vực thì thị trường chứng khoán Việt Nam có độ mở lớn. Nhưng việc tham gia hay rút khỏi thị trường còn phụ thuộc vào cách nhìn nhận, đánh giá của nhà đầu tư đối với từng thị trường.
Theo ông, các giải pháp để thu hút dòng vốn ngoại chính là đa dạng hóa sản phẩm và tăng quy mô, cũng như tăng số lượng và cải thiện chất lượng của các doanh nghiệp niêm yết. Đồng thời, cải thiện các thủ tục hành chính cũng như các quy định để tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư trên thị trường chứng khoán. Đó là những giải pháp mà cơ quan quản lý đã và đang triển khai.
Trong những đề án đang nghiên cứu có việc đưa ra sàn giao dịch cho doanh nghiệp khởi nghiệp, những sản phẩm mới trên thị trường, hay như đối với Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM đang nghiên cứu về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết…
Chương trình TalkShow Phố Tài chính
Ông Dương Ngọc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD)
Số liệu 6 tháng đầu năm ghi nhận tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán cho thấy số lượng nhà đầu tư mở, xin trading code qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán thông qua các thành viên Lưu ký tăng hơn 2.000 tài khoản so với cuối năm 2020. Tổng số các nhà đầu tư đã xin mã số giao dịch tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán cho đến hết tháng 6 năm 2021 là 38.555 tài khoản. Trong đó, số lượng tài khoản mã số giao dịch nhà đầu tư nước ngoài tổ chức được cấp là khoảng gần 5.000 mã. VSD nhận thấy số lượng trading code của các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán có sự tăng trưởng qua các tháng.
"Chúng tôi tin rằng nhà đầu tư nước ngoài vẫn giành sự quan tâm nhất định đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh tác động chung của cả kinh tế thế giới. Và cũng từ thực tế quan sát, chúng tôi thấy sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường của chúng ta, chủ đạo là nhà đầu tư cá nhân. Rất nhiều NĐT cá nhân đến từ những thị trường phát triển trong khu vực, nổi bật là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản… Còn về các quỹ, các tổ chức đầu tư tham gia vào thị trường, chúng tôi nhận thấy số lượng nhà đầu tư đến từ các nước có thị trường chứng khoán phát triển như là Châu Âu, Mỹ cũng chiếm số đông", ông Tuấn chia sẻ.
Theo ông Tuấn, số lượng các tổ chức tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam đăng ký mã số tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam hiện nay chưa phải quá lớn, nhưng chất lượng cũng đã có sự tăng lên, có sự hiện diện của những nhà đầu tư có danh mục đầu tư ở quy mô toàn cầu. Ngoài ra, các tổ chức Lưu ký toàn cầu đã có hoạt động tại thị trường Việt Nam như Citibank, HSBC, Standard Chartered…
"Có một điều thực tế là khi thị trường càng phát triển, chúng ta càng thu hút các nhà đầu tư ngoại tham gia thị trường. Và trong số các nhà đầu tư quốc tế đó thì sẽ có nhiều loại hình quỹ đầu tư, nhiều loại hình, mô hình tổ chức đầu tư khác nhau. Trong đó có cả những quỹ đầu tư mang tính chất đầu tư mạo hiểm, nên sự luân chuyển dòng vốn rất là nhanh. Đấy là một trong những minh chứng cho sự hấp dẫn của sự phát triển thị trường. Và đương nhiên là chúng ta cũng sẽ phải chấp nhận, cũng sẽ phải sẵn sàng tư thế chuẩn bị cho các tình huống xảy ra", ông Tuấn nhận định về động thái bán ròng của khối ngoại thời gian qua.
Theo ông Tuấn, điều quan trọng là chúng ta nhìn thấy vấn đề, phân tích và đưa ra chính sách phù hợp để không bị động.
"Tôi thấy một điểm rất mừng là sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2020 và 2021, thì động lực chính không phải đến từ khối ngoại, mà nó đến từ động lực các nhà đầu tư trong nước, từ các nhà đầu tư F0 mới. Thế nhưng, chúng tôi nghĩ rằng thế hệ các nhà đầu tư mới F0 giai đoạn vừa qua có sự khác biệt lớn so với thế hệ nhà đầu tư F0 ở những năm mới thành lập thị trường. F0 thế hệ mới năng động, có kiến thức am hiểu thị trường và có cả khả năng tài chính nhất định. Họ tham gia thị trường, tạo động lực cho sự phát triển thị trường trong thời gian vừa qua", ông Tuấn lạc quan.
Còn về việc Việt Nam chưa thực sự có những quỹ "cá mập" tham gia vào thị trường, ông Tuấn cho rằng điều này không quá lo ngại. Quan trọng nhất là TTCK Việt Nam cần đón nhận được những luồng vốn đầu tư mang tính dài hạn, có ý nghĩa trong việc giúp nâng cao năng lực quản trị của các doanh nghiệp. Đồng thời, tuỳ theo quy mô thị trường, chúng ta sẽ tiếp nhận những luồng vốn, những khoản đầu tư phù hợp, như vậy sẽ tốt hơn nhiều so với việc quy mô thị trường của chúng ta chưa tương xứng mà ta lại phải đón nhận những quỹ đầu tư mang tính mạo hiểm và có tính ngắn hạn, tiềm ẩn những rủi ro.
Để thu hút dòng vốn ngoại, ông Tuấn cho rằng mấu chốt ở đây là thị trường của chúng ta là phải ngày càng hoàn thiện về khuôn khổ pháp lý. Và bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải có kết quả kinh doanh khả quan, nâng cao chất lượng quản trị công ty, để tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, từ đó thu hút tốt hơn những luồng vốn đầu tư có chất lượng vào thị trường.