Tại Toạ đàm chiều nay (21/5) về chủ đề Ngân hàng số và thanh toán điện tử: Gợi mở từ khủng hoảng COVID -19, ông Phạm Quang Dũng Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, thanh toán điện tử đang duy trì tăng trưởng tốt trong thời gian vừa qua, đặc biệt trong dịch Covid-19.
Tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng về Mobile Banking là 200% cho thấy chúng ta đang tăng trưởng rất tốt. Thống kê hiện có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng mỗi ngày.
Vị lãnh đạo Vụ thanh toán cũng chia sẻ, theo quan sát và trải nghiệm, Mobile Banking của Việt Nam không hề thua kém của Mỹ. Và để làm được điều đó, NHNN đã xây dựng được hạ tầng thanh toán rất tốt và trong năm nay tiếp tục nâng cấp cho hệ thống này.
Tuy nhiên, sự thay đổi quá nhanh của công nghệ cũng đang dường như khiến các quy định, thể chế không đuổi theo kịp. "Chúng ta mất một vài năm để ra đời một Nghị định, trong khi đó công nghệ luôn phát triển, thậm chí chỉ sau 2-3 tháng lại có một loại hình mới", ông nói. Và để theo theo sự thay đổi này, không có cách nào khác là xây dựng quy chế về Sandbox, cho phép đổi mới sáng tạo với những thứ chưa có quy định pháp lý.
Chẳng hạn P2P Lending đang tồn tại nhưng chưa có bất kỳ một quy định điều chỉnh về điều này, hay Mobile Money cũng vậy đang trình Thủ tướng nhưng thực tế chưa có văn bản nào quy định về mô hình này. Do đó, phải thí điểm, xây dựng, đúc kết kinh nghiệm, từ thực tiễn để xây dựng pháp lý.
Ngân hàng rất khác nhiều ngành kinh tế khác trong thời đại công nghệ số hiện nay, nếu không làm nhanh thì khách hàng sẽ ra đi. Năm vừa rồi đã có một sự dịch chuyển khách hàng từ một số ngân hàng này sang ngân hàng khác, vì dịch vụ rẻ hơn, tiện lợi hơn. Đó là sự lựa chọn.
Để thúc đẩy kinh tế số, ông Phạm Tiến Dũng cho rằng, có 2 điểm cần lưu ý với các ngân hàng.
Thứ nhất, phải làm thế nào để nhanh nhất đưa những người sử dụng thông thường trở thành khách hàng của ngân hàng. "Với mùa dịch COVID-19 vừa qua, chúng tôi phải xây dựng quy định về mở tài khoản bằng phương pháp xác nhận điện tử, tạo điều kiện cho khách hàng mở tài khoản" – ông Dũng thông tin.
Thứ hai, câu chuyện quan trọng hơn là khách hàng có được thoả mãn với những sản phẩm, dịch vụ mà ngân hàng cung cấp.
Nếu theo dõi, chúng ta sẽ thấy, trước dịch Covid-19, hầu như các chương trình Mobile Banking của các ngân hàng không có dịch vụ đi chợ, nhưng trong Covid thì đã xuất hiện. Sự kết nối hệ sinh thái là câu chuyện lớn cần phải làm, để khách hàng có thể sử dụng nhiều dịch vụ trên ngân hàng số.
"Các ngân hàng đã xem ngân hàng số là chiến lược kinh doanh, chứ không còn là dự án công nghệ thông tin. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cũng nhận được sức nóng thổi vào gáy , khi một số nước lân cận cũng đã cấp phép ngân hàng số", ông Dũng chia sẻ.
Ông Dũng khẳng định, các ngân hàng cần xây dựng được hệ sinh thái thông minh. Ví dụ như câu chuyện mà Điện lực đang làm xây dựng hệ thống kết nối với ngân hàng để khách hàng thực hiện giao dịch.
Bên cạnh đó, trong ngân hàng số và thanh toán số không thể không nhắc tới quan hệ hợp tác-ngân hàng-Fintech. Hiện có tới 81% tổ chức tín dụng lựa chọn mô hình hợp tác giữa Ngân hàng – Fintech để cùng phát triển.
Về cơ bản, Việt Nam đã có khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán số, vấn đề đặt ra là phát triển những mô hình mới. Do đó, ông Dũng cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ xây dựng, ban hành Chương trình Hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết 50/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng số, thanh toán số. Trong đó, có Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt, hướng dẫn về định danh, xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử (e-KYC); Thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).
Ngoài ra, chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số phải gắn với thúc đẩy tài chính toàn diện. Theo đó, triển khai các nội dung liên quan đến phát triển ngân hàng số, hợp tác Ngân hàng - Fintech, ứng dụng CNTT trong khuôn khổ Chiến lược quốc gia về Tài chính toàn diện; đồng thời cung ứng dịch vụ ngân hàng an toàn, thuận tiện với giá cả hợp lý cho người dân chưa có tài khoản ngân hàng, đặc biệt người dân khu vực vùng sâu, vùng xa, cũng như chú trọng nâng cao hiểu biết, kỹ năng tài chính.
Từ những đề xuất trên, đại diện NHNN kiến nghị: Thứ nhất, Việt Nam đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho phép chia sẻ, kết nối mở với các ngành dịch vụ như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm... "Chừng nào chưa xác định được chủ thể của giao dịch đó thì chúng ta không thể phát triển được thanh toán điện tử", ông Dũng nhấn mạnh.
Thứ hai, cần xây dựng quy định về bảo vệ dữ liệu người dùng, định danh số, hoàn thiện quy định bảo mật giao dịch, an ninh thông tin.