Sáng 4/8, Việt Nam ghi nhận thêm 10 ca mắc Covid-19, trong số này có 7 ca tại Đà Nẵng, 3 ca tại Quảng Nam, có liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng, nâng tổng số ca mắc cả nước lên 652. Liên quan đến làn sóng virus mới tại Việt Nam, Đà Nẵng và một số địa phương khác đã buộc phải triển khai các biện pháp cách ly xã hội, đồng thời hợp lực truy vết, xét nghiệm trên diện rộng để nhanh chóng tìm ra nguồn lây F0 và dập dịch.
Trước tinh thần dập dịch quyết liệt và triệt để của Việt Nam, vào hôm thứ Hai (3/8), Tiến sĩ Maria Van Kerkhove (Tổ chức Y tế Thế giới) đã lấy Việt Nam làm ví dụ về quốc gia đang áp dụng các công cụ y tế công và biện pháp chống dịch hiệu quả có thể giúp kiểm soát đại dịch này.
Tiến sĩ cho biết: "Việt Nam có nhiều kinh nghiệm đối phó với các đại dich truyền nhiễm, và những gì họ đang làm là áp dụng các công cụ y tế công và các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ. Họ đang hành động cực kỳ nhanh chóng và toàn diện, và một lần nữa, họ có cả một hệ thống luôn sẵn sàng để kiểm soát làn sóng virus mới này".
"Họ không chỉ làm một việc – họ đang làm tất cả những gì có thể", Tiến sĩ Maria Van Kerkhove tiếp tục. "Việt Nam đang kết hợp nhiều biện pháp chống dịch lại với nhau, từ việc tìm kiếm, theo dõi lịch sử tiếp xúc của bệnh nhân mắc Covid-19, cho đến việc áp dụng các biện pháp y tế công, xét nghiệm, giãn cách xã hội. Và đó là những gì mà mọi quốc gia khác trên thế giới nên học tập."
Cũng vào thứ Hai, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã ví virus corona như là một sự kết hợp của 2 điều nguy hiểm: nó lây lan rất nhanh và đồng thời, nó là một kẻ giết người. Tiến sĩ Tedros cũng cho biết tác động của đại dịch Covid-19 lên thế giới sẽ còn hiện diện trong nhiều thập kỷ tới.