Cách đây 3 tuần, UBND tỉnh Lào Cai đã đề xuất Bộ Giao thông vận tải cho phép xây dựng Cảng hàng không Lào Cai. Đây là sân bay nội địa, dùng chung dân dụng và quân sự. Tổng vốn đầu tư dự án là gần 5.779 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí xây lắp, trang thiết bị của quốc phòng.
Thực tế, sân bay Lào Cai đã từng được nhắc đến trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai đến năm 2020, Thủ tướng phê duyệt năm 2008. Theo đó, đến năm 2010 được xác định phải nghiên cứu đầu tư xây dựng sân bay Taxi. Đồng thời hoàn thành công tác chuẩn bị để đến giai đoạn 2011 - 2015 triển khai xây dựng sân bay Lào Cai cho loại máy bay ATR72/F70, quy mô đáp ứng 2 chuyến/1 tuần.
Taxi hàng không hay Air taxi là mô hình kinh doanh sử dụng những máy bay nhỏ, phục vụ nhu cầu di chuyển ngắn và không đòi hỏi sân bay lớn. Việc xây dựng sân bay Taxi cũng thích hợp cho những chuyến bay cấp cứu, khi cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ còn bất cập.
4 năm sau (2012), Cục Hàng không và UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức công bố quy hoạch CHK Lào Cai. Quy hoạch giai đoạn 2020 và định hướng đến năm 2030 đối với CHK Lào Cai là bước cụ thể hóa Quyết định số 21 của Thủ tướng, ban hành năm 2009. Lúc này, CHK Lào Cai được xác định sẽ nằm trên địa bàn thôn Giao Ngay, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, cách TP.Lào Cai 21km về hướng Nam.
Việc xây dựng CHK Lào Cai trên diện tích 140ha phù hợp với các loại máy bay ATR72, Bombardier giảm tải và tương đương; nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, nhất là khách du lịch đi Sa Pa, Hà Khẩu (Trung Quốc); dự kiến phục vụ khoảng 200 lượt khách giờ cao điểm.
Việc xây dựng CHK Lào Cai nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, nhất là khách du lịch đi Sa Pa.
Năm 2015, Bộ GTVT đã phê duyệt đề cương, dự toán kinh phí khảo sát và điều chỉnh quy hoạch CHK Lào Cai giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. CHK Lao Cai được nâng cấp từ hạng 3C lên 4C để đáp ứng nhu cầu bay tới tất các các sân bay trong nước và một số sân bay quốc tế, như Jakarta (Indonesia), Singapore, Malaysia, Côn Minh (Trung Quốc) và Viêng Chăn (Lào).
Tuy nhiên, vị trí xây dựng sân bay lại trở thành vấn đề được tranh luận tại thời điểm này. TCT Hàng không Việt Nam cho rằng vị trí xây dựng sân bay gần biên giới, khó khăn khi máy bay lượn hình nón, có nhiều ngọn núi phải bạt đi để phục vụ máy bay cất, hạ cánh. Do đó, một vị trí khác, cách thành phố Lào Cai 34km đã được chỉ ra. Khu vực này thuộc bản Cam 3, Cam 4, xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, mặt bằng rộng, hoạt động bay thuận lợi khi máy bay có thể tiếp cận từ 2 đầu đường băng, ít phải bạt ngọn núi, và có kết nối trực tiếp với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Năm 2016, Cục Hàng không và UBND tỉnh Lào Cai một lần nữa công bố quy hoạch CHK Lào Cai. Bản điều chỉnh lần này chọn xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên là nơi xây dựng sân bay. Sân bay đạt tiêu chuẩn cấp 4C và sân bay quân sự cấp II có khả năng đón các loại máy bay A320, A321 và tương đương; công suất 560.000 hành khách/năm và 600 tấn hàng hóa/năm.
Trong giai đoạn tiếp theo (đến 2030), CHK Lào Cai sẽ nâng công suất lên 1.585.000 hành khách/năm và 2.880 tấn hàng hóa/năm với 5 vị trí đỗ tàu bay.
CHK Lào Cai sẽ có một nhà ga hành khách trên khu đất 10.000 m2 với công suất thiết kế 308 hành khách/giờ cao điểm và trong giai đoạn tiếp theo là 634 hành khách/giờ cao điểm. Đài kiểm soát không lưu sẽ được xây dựng ở vị trí riêng biệt, phía Đông Nam khu hàng không dân dụng.
Sau khi Quy hoạch được công bố, UBND tỉnh Lào Cai đã có cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, TCT Quản lý bay Việt Nam, Ngân hàng BIDV, Tập đoàn Sun Group. UBND tỉnh Lào Cai muốn CHK Lào Cai được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và tỉnh sẽ có quyền ký kết thực hiện hợp đồng.
Dự kiến giai đoạn 1, Khu bay, Tháp không lưu sẽ thực hiện theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển Giao (BT) và nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ (nếu có); Khu Nhà ga sẽ thực hiện theo hình thức hợp đồng Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh (BOO); Công tác đền bù GPMB và hỗ trợ tái định cư giao cho địa phương thực hiện và sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương để thực hiện.
Xã Cam Cọn (vùng màu đỏ) - nơi dự kiến xây dựng CHK Lào Cai, cách TP.Lào Cai 34km.
Đầu tháng 7/2018, trong đề xuất với Bộ GTVT, UBND tỉnh Lào Cai đã đưa ra 2 phương án đầu tư:
Phương án 1: xây dựng toàn bộ CHK bằng vốn ngân sách nhà nước hay các nguồn vốn xã hội hóa.
Phương án 2: UBND tỉnh là chủ đầu tư, huy động vốn theo hình thức xã hội hóa. Giai đoạn 1, Lào Cai sẽ kêu gọi đầu tư kết hợp hỗ trợ từ ngân sách địa phương phần khu bay (bao gồm cả hạng mục san lấp mặt bằng, giải phóng mặt bằng và tái định cư) với tổng kinh phí hơn 2.800 tỷ đồng. Tổng công ty Quản lý bay nghiên cứu đầu tư hạng mục quản lý bay với tổng kinh phí khoảng 160 tỷ đồng. Tổng công ty Cảng hàng không nghiên cứu đầu tư khu hàng không dân dụng với tổng kinh phí hơn 1.700 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2 sẽ triển khai khi có nguồn lực và nhu cầu.