Người lao động sẽ phải không ngừng học hỏi để thích ứng với những dây chuyền sản xuất công nghệ mới. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)
Để tăng năng suất lao động các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể tụt hậu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo dự báo, với việc ứng dụng công nghệ mới của doanh nghiệp, hàng nghìn việc làm sẽ mất đi và điều này đòi hỏi người lao động phải luôn sẵn sàng thích ứng cho một thị trường nhân lực không ngừng biến động.
Thay đổi yêu cầu kỹ năng
Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, nó cũng tác động trực tiếp đến người lao động, tạo ra sự đào thải khi "máy móc hóa" quá trình sản xuất. Khi doanh nghiệp tái cơ cấu, đưa công nghệ thiết bị vào thì tất yếu sẽ dôi dư lao động.
Dự báo cho thấy, sẽ có khoảng 75% lực lượng lao động ở Việt Nam bị tác động bởi cách mạng công nghiệp 4.0. Ngành nghề bị tác động nhiều nhất thường là những lĩnh vực thâm dụng lao động như dệt may, da giày, công nhân trong các nhà máy, nhân viên thu ngân… Bên cạnh đó, có nhiều ngành nghề mới xuất hiện thu hút rất nhiều lực lượng lao động như các ngành nghề liên quan đế cơ điện tử, tự động công nghiệp, IT, điện toán đám mây…
Theo “Báo cáo về triển vọng nghề nghiệp và xu hướng kỹ năng tại Việt Nam giai đoạn 2018-2022” của Navigos Group, những công việc hiện nay đang có nhu cầu tuyển dụng lớn lại được dự báo sẽ sụt giảm mạnh trong 5 năm tới do sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thậm chí, chính các nhà tuyển dụng cũng chia sẻ, nhiều kỹ năng mềm được đang được đánh giá cao sẽ không còn được ưu tiên hàng đầu, thay vào đó lại là kỹ năng học hỏi tích cực để đáp ứng được sự thay đổi của công nghệ.
Các chuyên gia cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi bản chất của các công việc trong tương lai. Tuy nhiên, ảnh hưởng lớn nhất của cách mạng công nghiệp này không hẳn là mất việc làm mà chính là thay đổi về yêu cầu của công việc.
Trong tương lai, các nhân tố khoa học công nghệ được nhận định sẽ thay đổi bản chất nhiều công việc, dẫn theo sự đòi hỏi về những kỹ năng phức tạp hơn như hợp tác, đánh giá, ra quyết định, quản lý con người, năng lực sáng tạo… Đặc biệt, các nhà tuyển dụng cho rằng học hỏi tích cực trở thành kỹ năng cơ bản cần thiết nhất của người lao động.
Nâng cao chất lượng nhân lực
Với tổng lực lượng lao động gần 56 triệu người, Việt Nam đang có lợi thế lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo báo cáo của ManpowerGroup, chỉ có 11% lao động Việt Nam có kỹ năng tay nghề cao. Khi tiến bộ công nghệ thay đổi các tổ chức, yêu cầu về kỹ năng tay nghề cũng thay đổi nhanh chóng và doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm kiếm nhân tài. Một kỹ năng “mở” để học hỏi không ngừng sẽ giúp người lao động đáp ứng được những yêu cầu mới của thị trường lao động.
Tư vấn tuyển sinh đào tạo nghề. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)
Ông Simon Matthews, Tổng Giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông cho rằng: "Doanh nghiệp, Chính phủ và nhà trường cần phối hợp với nhau nhằm chuẩn bị cho thế hệ trẻ thích nghi với thế giới việc làm tương lai khi mức độ số hóa và tốc độ tăng trưởng nhanh hơn bao giờ hết, thúc đẩy năng lực cạnh tranh toàn cầu của lực lượng lao động Việt Nam.”
Trong khi đó, ông Gaku Echizenya, Tổng giám đốc Navigos Group chia sẻ: “Thị trường lao động đang trải qua những biến động lớn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, người lao động, cần chủ động học hỏi kiến thức về kỹ năng số hóa và công nghệ, hợp tác với người khác, quản lý con người… để tăng năng lực cạnh tranh.”
Cũng đề cao vấn đề đổi mới đào tạo nghề, ông Gaku Echizenya nhấn mạnh, nhà trường cần phân tích nhu cầu thị trường nhân sự trong tương lai để tuyển sinh hợp lý, cập nhật chương trình học với kiến thức số hóa, tạo cơ hội cho sinh viên ứng dụng thực tế để nâng cao kiến thức, kỹ năng và sẵn sàng cho phát triển sự nghiệp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết: Lao động qua đào tạo tại Việt Nam chỉ chiếm hơn 60% tổng số lực lượng lao động, trong đó chỉ khoảng 21% được đào tạo có chứng chỉ và thời hạn đào tạo từ 3 tháng trở lên. Do đó, khi bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lực lượng lao động sẽ gặp thách thức rất lớn.
“Nhà nước phải có trách nhiệm định hướng, xác định đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng xu hướng 4.0. Về phía doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phải tự mình nghiên cứu để chuẩn bị nguồn lực, đầu tư, hỗ trợ cho người lao động tiếp cận khoa học kỹ thuật mới,” Ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Năm 2019 được dự báo tiếp tục là một năm tăng trưởng với nền kinh tế Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, người lao động không thể làm chậm lại sự phát triển của công nghệ và tiến trình toàn cầu hóa nhưng họ có thể đầu tư vào kỹ năng của mình để tăng khả năng thích ứng với sự đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường./.