Báo cáo "Nghiên cứu các vấn đề về giới trong di cư trong nước và tái cơ cấu kinh tế ở Việt Nam" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) cho biết nữ hóa lao động di cư vẫn tiếp tục duy trì và mặc dù xu hướng giảm song tình trạng nữ giới trong di cư luôn ở mức cao.
Nhóm nghiên cứu của CIEM chỉ ra rằng, hiện tượng người dân từ nông thôn nhập cư vào đô thị chủ yếu là do động lực về kinh tế. Ở Việt Nam có tới 85% quyết định di cư là vì lý do kinh tế.
Nguyên nhân là do cả yếu tố “lực đẩy” ở nơi đi và “lực hút” ở nơi đến. “Lực đẩy” ở nơi đi là do thiếu đất canh tác, thiếu việc làm, thu nhập thấp... và “lực hút” ở nơi đến là vì thu nhập cao hơn, cơ hội tìm được việc làm dễ hơn,... Những người nhập cư dự tính tiền lương kiếm được tăng lên so với nơi ở cũ, họ kỳ vọng với số tiền lương kiếm được ở nơi đến cao hơn, đồng thời nhiều hơn số chi phí cho giao thông đi lại và các khoản chi phí khác (có khả năng tích lũy tiền) thì họ sẽ di chuyển đến nơi mới.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tiền công cho các công việc ở các khu công nghiệp và trong lĩnh vực sản xuất tại các khu đô thị thường cao gấp vài lần các công việc nông nghiệp. Do đó, ở những vùng nông thôn, năng suất thấp, thiếu việc làm và thu nhập thấp từ nông nghiệp là nhân tố quan trọng đẩy người dân tìm đến các vùng có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hơn.
Báo cáo đánh giá, di cư nội địa là nhu cầu tất yếu của phát triển, giúp các địa phương có thêm nguồn lực để cấu trúc lại nền kinh tế, đồng thời cũng tạo nên áp lực về cơ sở hạ tầng và các vấn đề xã hội tới các địa phương. Di cư là yếu tố quan trọng, là động lực tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phân bổ lại dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế lao động, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, là một bộ phận của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Chính phủ. Kinh tế phát triển, quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá, chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế diễn ra nhanh chóng dẫn tới sự gia tăng nhanh chóng của di cư nội địa.
Đối với những địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp và dịch vụ, nhu cầu lao động rất lớn tạo ra lực hút nguồn di cư lao động từ các địa phương khác tới sinh sống và làm việc, đặc biệt là dòng di cư nữ đã diễn ra mạnh mẽ ở những địa phương phát triển các khu công nghiệp, điều này dẫn đến tỷ suất di cư thuần dương. Ngược lại, những địa phương có quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, đặc biệt là cơ cấu nông nghiệp còn lớn, xu hướng lao động xuất cư nhiều hơn lao động nhập cư đến, dẫn đến tỷ suất di cư thuần âm.
Việc "nữ hóa" di cư nảy sinh nhiều vấn đề xã hội kèm theo, đặc biệt là vấn đề nhà ở. Vấn đề nhà ở cho người di cư không chỉ đơn thuần là chỗ ăn, ngủ, mà đó còn là vấn đề tiếp cận các dịch vụ công, vấn đề an ninh, an toàn và đảm bảo vệ sinh, vui chơi giải trí, phục hồi sức lao động, vấn đề trường lớp cho con cái của người di cư, đặc biệt là nữ di cư.
Trong khi đó, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp nhà ở đáp ứng các điều kiện nêu trên cho người lao động do phải huy động nguồn lực đầu tư cho nhà máy, xí nghiệp. Việc huy động nguồn vốn lớn gặp khó khăn, cùng với việc thiếu quỹ đất đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khiến các doanh nghiệp hoặc để công nhân thuê nhà trọ ở ngoài, hoặc chỉ xây dựng một phần nhà ở cho công nhân và tổ chức các dịch vụ đưa đón công nhân hàng ngày. Ngoài ra, các cơ chế và chính sách nhà ở công nhân hiện nay vẫn chưa được hoàn thiện và đang là rào cản cản trở việc doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ xây nhà ở cho công nhân, nghiên cứu của CIEM chỉ rõ.