Làm việc cật lực đã gần như trở thành một lối sống ở Nhật Bản. Có thời điểm, đã có những người chết vì kiệt sức và thậm chí trong tiếng Nhật còn có một thuật ngữ là "karoshi" – có nghĩa là chết vì làm việc quá sức, thường là dưới hình thức tự tử, đau tim hoặc đột quỵ. Có hàng trăm trường hợp karoshi được báo cáo hàng năm, con số thực tế có thể cao gấp nhiều lần. Vậy tại sao người Nhật lại lao động quá nhiều như vậy? Liệu điều đó có thể thay đổi hay không?
Nhật Bản là một trong số những quốc gia có giờ lao động trung bình lớn nhất thế giới. Theo CNBC, có tới 25% công ty Nhật Bản có những nhân viên làm thêm trên 80 giờ mỗi tháng, tương đương gần 1000 giờ mỗi năm. Việc làm thêm giờ này trong một số trường hợp còn không được trả lương. Một cuộc khảo sát được Expedia thực hiện vào năm 2018 cho thấy, dù được phép nghỉ khoảng 20 ngày mỗi năm, thì công nhân Nhật Bản chỉ nghỉ có 10 ngày trong số đó. 63% người Nhật cảm thấy tội lỗi khi nghỉ phép có lương, cũng theo Expedia.
Dân số Nhật Bản đang già đi nhanh chóng, tỷ lệ sinh giảm, có nghĩa là quy mô dân số sẽ dần thu hẹp. Trong gần 50 năm tới, dân số Nhật được dự báo sẽ giảm gần 1/3 so với hiện tại, và chỉ còn 88 triệu vào năm 2065.
Một nhân viên của công ty quảng cáo Dentsu đã nhảy lầu tự vẫn năm 2015, nguyên nhân được cho là trầm cảm vì làm việc quá sức. Dentsu đã bị phạt rất nặng vì ép cô gái này làm thêm hơn 100 giờ mỗi tháng, CEO công ty đã từ chức. Vụ việc đã tạo ra một làn sóng yêu cầu thay đổi văn hóa làm việc kiệt sức và làm thêm không lương của người Nhật. Dentsu buộc phải thay đổi, đèn ở công ty sẽ bị ngắt tự động vào 10 giờ tối và buộc lao động phải trở về nhà.
Sau nhiều nỗ lực của chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản, hiện tại số giờ làm thêm của họ đang là 45 giờ một tháng, tương đương 360 giờ một năm.
Bất chấp những lo ngại về các tác động của già hóa dân số đến xã hội, bắt nguồn từ tỷ lệ sinh thấp và đang khiến năng suất chậm lại, Tổng thống Moon Jae-in vẫn tiến hành cắt giảm thời gian làm việc của người lao động và cho công nhân quyền nghỉ ngơi. Hàn Quốc vừa mới giảm số giờ làm thêm một tuần từ 28 giờ xuống 12 giờ một tuần (tức giảm từ khoảng 1200 giờ xuống 550 giờ một năm).
Singapore có số giờ làm thêm tối đa là 72 giờ một tháng, hơn 800 giờ một năm. Số giờ làm thêm tối đa của Đài Loan là 54 giờ một tháng, 648 giờ một năm.
Nước láng giềng Trung Quốc có số giờ lao động được OECD cho là cao nhất thế giới. Đằng sau sự bứt phá về công nghệ, khoa học kỹ thuật mạnh mẽ những năm gần đây, các công ty và đặc biệt là giới lập trình viên, kỹ sư phần mềm nước này phải chịu áp lực rất lớn về cạnh tranh và thời gian làm việc. Cụ thể, những người ký hợp đồng sẽ phải chấp nhận lịch làm việc 996, nghĩa là giờ làm việc từ 9 giờ sáng tới 9 giờ tối, sáu ngày một tuần.
Trong khi đó, các quốc gia phát triển ở phương Tây lại có giờ lao động thấp hơn nhiều. Trung bình, công nhân Đức tính cả giờ làm thêm cũng chỉ làm việc 1.363 giờ mỗi năm. Công nhân ở Mỹ đang ở mức trung bình về thời gian lao động với 1.783 giờ mỗi năm. Người Hà Lan, Pháp và Đan Mạch làm việc trung bình ít dưới 1.500 giờ mỗi năm.
Thời gian lao động dài hơn không đồng nghĩa với năng suất cao hơn. Trên thực tế, Nhật Bản có năng suất lao động thấp nhất trong nhóm G7, theo OECD. Báo cáo của Our World In Data cho thấy, GDP bình quân đầu người của một quốc gia, hóa ra lại tỷ lệ nghịch với số giờ làm thêm. Nói cách khác, người dân ở các nước giàu hơn đang làm việc ít hơn.
Báo cáo cho thấy năng suất của một quốc gia cũng tỷ lệ nghịch với số giờ hàng năm của công nhân. Một lần nữa sử dụng Brazil làm ví dụ: vào năm 1950, mỗi công nhân làm việc trung bình 2.042 giờ/năm trong khi năng suất của đất nước (GDP mỗi giờ làm việc) chỉ là 2,12 USD. Năm 2014, công nhân chỉ làm việc 1.711 giờ nhưng năng suất của họ tương đương 16,84 USD. Theo báo cáo này, điều quan trọng là cần phát triển công nghệ để người dân có thể lao động ít hơn nhưng tạo ra năng suất cao hơn, thay vì yêu cầu họ làm thêm nhiều hơn.