Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) trong tháng 2 vừa qua, đã có 47.164 người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tăng 59,2% so với tháng 1/2020 (29.839 người) và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự gia tăng đột biến người nộp hồ sơ hưởng BHTN được Bộ LĐ-TB&XH lý giải, do tháng 1 năm nay trùng với Tết Nguyên đá. Còn tháng 2 năm nay trùng với Tết Nguyên đán năm 2019 (thường tháng tết tỷ lệ nộp hồ sơ hưởng thất nghiệp giảm).
“Ngoài ra, cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dẫn đến doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, cắt giảm nhân sự nên số lượng người lao động thất nghiệp tăng cao”, Bộ LĐ-TB&XH nhận định.
Trong tháng 2, tình trạng lao động mất việc làm nộp hồ sơ BHTN tập trung nhiều nhất ở TPHCM, với 9.872 người (tăng 80,67% so với tháng trước và tăng 57,57% so với cùng kỳ năm trước). Tiếp đến là Bình Dương, với 3.835 người (tăng 22,2% so với tháng trước và tăng 70,8% so với cùng kỳ năm trước). Nhóm doanh nghiệp có nhiều lao động mất việc làm là doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); lĩnh vực nhiều lao động mất việc làm tập trung ở ngành may mặc, giày da...
Bộ LĐ-TB&XH cũng đưa ra 3 kịch bản dựa trên mức tăng trưởng GDP của Việt Nam để đưa ra dự báo về lao động thất nghiệp trong tháng 3 này.
Theo đó, nếu dịch được khống chế trong tháng này, kinh tế ổn định trở lại, GPD Quý I/2020 tăng chậm hơn kịch bản từ 0,3%-0,5%: Số lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm từ 132 - 220 nghìn người.
Nếu dịch Covid-19 có diễn biến đi ngang như hiện nay, GDP quý này sẽ tăng chậm hơn mục tiêu đề ra khoảng 1 – 2%: Lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc là từ 440 - 880 nghìn người.
Kịch bản xấu nhất, nếu dịch Covid-19 bùng phát, GDP trong quý tăng chậm hơn mục tiêu đề ra từ 2-3%: Lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc là từ 880 nghìn đến 1,32 triệu người.
Với các kịch bản trên thì ngay trong tháng 3 này áp lực về người lao động mất việc làm sẽ tăng ít nhất 2 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Ước tính các ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, vận tải và kho bãi, du lịch sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất, với số người chịu ảnh hưởng chiếm khoảng 75-85% tổng số bị ảnh hưởng theo các ước tính ở trên.
Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 18/3/2020, cả nước có trên 68.500 lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam (chiếm 72,9% tổng số lao động đã được cấp giấy phép lao động và xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Trong đó, có 25.480 lao động nước ngoài chưa quay trở lại (lao động Trung Quốc có 19.113 người chiếm 75%, Hàn Quốc có 3.766 người chiếm 14,8%...).
Chi 500 triệu đồng hỗ trợ người lao động mất việc vì Covid-19
Ngày 20/3, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Đà Nẵng đến thăm và trao quà hỗ trợ cho đoàn viên, người lao độn bị mất việc làm trên địa bàn quận Hải Châu và Ngũ Hành Sơn do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Tại những nơi đến thăm, ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng đã trao gần 80 suất trợ cấp khó khăn, mỗi suất trị giá một triệu đồng cho những người lao động bị mất việc làm tại các trường mầm non tư thục và đơn vị du lịch, lữ hành trên địa bàn.
Được biết, trong dịp này, LĐLĐ thành phố sẽ trao 500 suất hỗ trợ cho người lao động bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 với tổng số tiền 500 triệu đồng. Nguồn kinh phí được trích từ Quỹ hoạt động xã hội Công đoàn LĐLĐ TP Đà Nẵng.
Theo ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng, đây là hoạt động thể hiện sự chia sẻ LĐLĐ thành phố đối với người lao động, động viên người lao động vượt qua khó khăn trước mắt. "Trong thời gian tới, LĐLĐ thành phố sẽ vận động các đơn vị, các mạnh thường quân để hỗ trợ nhiều hơn cho các trường hợp người lao động bị mất việc do ảnh hưởng dịch Covid-19", ông Minh nói thêm.
Ngoài ra, LĐLĐ thành phố cũng đã phối hợp Bưu điện TP Đà Nẵng trao 250 chai gel rửa tay sát khuẩn cho công nhân lao động là lái xe, phụ xe, thu vé xe buýt tại Công ty Quảng An để phòng, chống dịch bệnh Covid - 19.
Thanh Trần