Cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh Xã hội) dự báo, số lao động mất việc làm có thể tăng khoảng 100.000 người mỗi tháng, tập trung chính ở các lĩnh vực như du lịch, hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống, xây dựng, vận tải, chế biến chế tạo... Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng sẽ lên đến 70%, trong khi số lao động bị ngừng việc, giãn việc, giảm việc có thể lên tới 3,5-5 triệu người.
Một số ngành có số lao động giảm mạnh so với cùng kỳ như công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ lưu trú và ăn uống, giáo dục và đào tạo, bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy... Đây cũng là mức giảm nhiều nhất trong thập niên qua.
Theo ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), phần lớn doanh nghiệp gia công dệt may, da giày, dịch vụ, du lịch đang chịu sức ép việc làm cho hàng triệu lao động:“Nguồn nguyên liệu dự phòng của doanh nghiệp đang dần cạn kiệt và thị trường chưa xuất khẩu được. Chính vì vậy mà doanh nghiệp vẫn tiếp tục khó khăn. Theo số liệu từ Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, trong quý 2 có khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế dừng hoạt động, 137 doanh nghiệp xin thu hồi giấy phép.
Về bảo hiểm thất nghiệp, 7 tháng năm 2020, số lượng người làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 686 nghìn 214 người, tăng 32% so với cùng kỳ 2019. Những tháng năm 2019, bình quân 60-70 nghìn người nhưng năm nay bình quân mỗi tháng gần 100 nghìn người xin hưởng trợ cấp thất nghiệp”.
Mặc dù thị trường lao động Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, nhiều lĩnh vực cho thấy tín hiệu tốt, một số ngành nghề, lĩnh vực bị đứt chuỗi việc làm, lao động bị ngừng việc nay đã trở lại thị trường. Tuy nhiên, 6 tháng qua chỉ giải quyết được 120.000 việc làm mới so với hàng triệu người bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid 19.
Dự báo đến cuối năm có 70% doanh nghiệp và 3,5 đến 5 triệu lao động gặp khó khăn. Do đó, theo ông Vũ Quang Thọ, chuyên gia lao động, việc làm thì cần phải xây dựng một hệ thống khai báo việc làm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh để giữ việc làm cho người lao động:“Chúng tôi vẫn coi tiền lương là số 1 nhưng hiện nay tiền lương không còn là số 1 nữa mà việc làm mới là số 1, là cái cần thiết nhất cho người lao động bởi vì có việc làm thì chúng ta mới có được thu nhập và tiền lương”./.