Người lao động mong muốn có việc làm sẽ được hỗ trợ miễn phí
Tại buổi livestream, người dân bày tỏ lo lắng khi nhiều người về quê khiến doanh nghiệp thiếu lao động. Người dân cũng đặt câu hỏi TP.HCM có tổ chức tìm việc cho lao động thất nghiệp hay không?
Bà Phan Thị Thắng thông tin, thời gian qua số người về quê rất nhiều dù TP.HCM và các tỉnh, thành đã vận động bà con ở lại với thành phố, tiếp tục làm việc. Thành phố chia sẻ với tâm lý mong muốn sum họp gia đình của người dân sau thời gian dài dịch bệnh.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, sau thời gian nghỉ ngơi, một số trường hợp sẽ quay lại thành phố làm việc, một số khác sẽ chọn ở lại quê hương.
Bên cạnh đó, những ngày qua, TP.HCM nhận được thông tin người dân ở các địa phương đăng ký quay lại làm việc rất nhiều. Bà Phan Thị Thắng cho biết, thành phố đã tính toán. Hiện nay, doanh nghiệp, hiệp hội, khu công nghiệp… sẽ tổng hợp danh sách người lao động ở các tỉnh. Sở GTVT các tỉnh kết nối với nhau để đón người lao động trở về TP.HCM.
Người nào mong muốn có việc làm có thể liên hệ cơ quan cũ, hoặc đến Trung tâm giải quyết việc làm của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hoặc Đoàn Thanh niên để được hỗ trợ miễn phí.
Về thủ tục trở lại TP.HCM, theo Phó Chủ tịch Phan Thị Thắng, người dân có thể liên hệ lại với cơ quan, doanh nghiệp, xí nghiệp… để sắp xếp quay trở lại hoặc đăng ký với địa phương. Với những trường hợp người dân trở lại TP.HCM nhưng chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vaccine, thì tùy điều kiện từng hiệp hội, doanh nghiệp, nơi đón công nhân về, thành phố sẽ ưu tiên vaccine cho nơi đó để tập trung tiêm vaccine để đón lao động trở lại. Điều kiện để về lại thành phố là phải an toàn.
Khó khăn trong giải quyết chi phí phòng, chống dịch bệnh của doanh nghiệp
Bàn về việc nhiều doanh nghiệp phải gánh chi phí từ việc xét nghiệm cho người lao động hoặc sắp xếp "3 tại chỗ", Phó Chủ tịch TP.HCM nhấn mạnh, bà rất hiểu khó khăn của doanh nghiệp trong việc này. Ví dụ với mỗi lao động sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ", doanh nghiệp phải tốn chi phí 4-5 triệu đồng/người, những doanh nghiệp có cả nghìn công nhân thì chi phí này là một gánh nặng lớn.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin: "Để hỗ trợ doanh nghiệp, thành phố đã có những kiến nghị cụ thể, trình bày với lãnh đạo. Tuy chưa được phê duyệt nhưng thời gian tới, việc sản xuất kinh doanh sẽ theo hướng tất cả chi phí phát sinh của doanh nghiệp để phòng chống dịch bệnh thì sẽ được hạch toán".
Đồng thời, theo Phó chủ tịch TP.HCM, đã chỉ đạo Sở Công Thương cùng các quận, huyện và TP.Thủ Đức thiết lập chương trình hỗ trợ vốn bằng cách doanh nghiệp nào có nhu cầu sẽ đăng ký ở phường, quận và các hiệp hội doanh nghiệp trực thuộc. Các địa phương sẽ lập danh sách, rà soát và trên cơ sở đó đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp. Dự kiến, trong tuần sau, TP.HCM sẽ làm việc cùng các hiệp hội doanh nghiệp để triển khai việc này.