Chiến dịch "Worker Lives Matter" được 4 người ẩn danh tự mô tả là sinh viên mới tốt nghiệp khởi xướng và kêu gọi nhân viên tại các công ty công nghệ cung cấp tên công ty, chức vụ và giờ làm việc của họ vào một bảng thống kê được đăng trên trang GitHub.
Tính đến sáng 14-10 (giờ địa phương), hơn 4.000 người cho biết họ làm việc tại các tập đoàn công nghệ như Alibaba, Baidu, Tencent và ByteDance đã đăng ký.
Người lao động tham gia cũng tạo ra các bảng thống kê riêng biệt cho các lĩnh vực cụ thể như bất động sản, tài chính và các công ty nước ngoài. Thông tin được cung cấp cho thấy dù một tuần có 5 ngày làm việc theo chuẩn nhưng nhiều nhân viên làm việc từ 10-12 tiếng/ngày.
Một nhân viên chợp mắt trên ghế sau bữa trưa ở Bắc Kinh - Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Một trong những người khởi xướng chiến dịch cho biết họ hy vọng danh sách này sẽ là một công cụ tham khảo hiệu quả cho người lao động khi lựa chọn công việc.
Trong một bài viết đăng tải khác, nhóm thành lập chiến dịch lập luận rằng "văn hoá 996" làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần được áp dụng rộng rãi và giờ làm việc tại các công ty công nghệ thường không rõ ràng.
"Chúng tôi hy vọng sẽ đóng góp vào việc tẩy chay văn hoá 996 và phổ biến văn hoá 955 (làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều và 5 ngày một tuần)" - một trong những người tạo ra trang hỏi đáp Zhihu của Trung Quốc cho biết. Phía Alibaba, Tencent, Baidu và ByteDance không bình luận về thông tin trên.
Thời gian làm việc kéo dài là một chủ đề quan tâm đối với người lao động công nghệ Trung Quốc và nhóm đối tượng nhân viên văn phòng.
Vấn đề lần đầu gây chú ý vào năm 2019 khi các nhân viên công nghệ khởi động một chiến dịch trực tuyến tương tự chống lại "văn hoá 996".
Trong những tháng gần đây, làn sóng chỉ trích về việc làm nhiều giờ đã trở nên mạnh mẽ do chính phủ có hoạt động trấn áp các công ty công nghệ, từ đó gây chú ý về cách đối xử của họ với người lao động.
Trong năm nay, các công ty bao gồm chủ sở hữu TikTok ByteDance, nền tảng video ngắn Kuaishou và gã khổng lồ giao đồ ăn Meituan đã giảm giờ làm thêm bắt buộc vào cuối tuần. Tòa án hàng đầu của Trung Quốc hồi tháng 8 đã mô tả "văn hoá làm việc 996" là bất hợp pháp.