Bước vào làm nghề đóng giày từ thời thanh niên, đến nay ở tuổi 90 nhưng nghệ nhân Trịnh Ngọc vẫn miệt mài với từng đường kim, mũi chỉ để cho ra những đôi giày tuyệt đỉnh về chất lượng và kiểu dáng.
Dù thời thế đổi thay, công nghệ phát triển, song vẫn còn không ít "người muôn năm cũ" ở Sài Gòn phồn hoa gắn bó với những nghề truyền thống của gia đình hoặc nghề đã nuôi sống họ trong quá khứ. Điều đó vô tình giúp Sài Gòn níu giữ được hồn xưa của phố.
Đo ni đóng giày độc bản
Hôm tôi đến, vì lý do phòng dịch, tiệm giày của ông Trịnh Ngọc nằm trên đường Lý Chính Thắng (quận 3) thường đóng cửa, bên ngoài có tấm giấy nhỏ với số điện thoại để ai cần thì liên hệ. Đang loay hoay bấm số, vị khách tên Nguyễn Văn Tâm (ngụ TP Thủ Đức) đã gọi trước.
Sau khi dò ý khách, ông Trịnh Ngọc cẩn thận dùng thước dây đo ni chân cho vị khách rồi ghi chép tỉ mỉ vào sổ. Ông còn tư vấn thật chu đáo cho khách về kiểu dáng, màu sắc để khách chọn lựa... Mỗi đôi giày đóng thủ công của nghệ nhân Trịnh Ngọc có giá không hề rẻ, từ 7-8 triệu đồng/đôi nhưng khách không hề trả giá, còn đặt đóng một lúc vài đôi.
Đặt liền 2 đôi giày một lúc để thay đổi, anh Tâm cho hay, dù lần đầu tiên đến đây nhưng ngưỡng mộ tài của nghệ nhân Trịnh Ngọc đã lâu. "Nhiều bạn bè của tôi cũng từng mang giày bác Ngọc đóng đều rất ưng ý. Tôi vốn yêu thích và trân trọng những sản phẩm thủ công, chính kiến thức uyên thâm cùng tài nghệ của bác Ngọc đã tạo cơ duyên cho tôi được gặp bác" - anh Tâm cho biết.
Sau khi khách về, ông Trịnh Ngọc mời tôi thăm "xưởng" đóng giày nhỏ trên tầng của ngôi nhà. Đây là nơi ông cặm cụi, mải miết với từng đường kim, mũi chỉ để tạo ra những đôi giày độc đáo thuộc loại "độc nhất vô nhị" suốt hàng chục năm qua. Những đôi giày được người nghệ nhân dùng chính đôi tay để đục từng hoa văn trên da luôn có cái hồn riêng.
Để làm ra sản phẩm hoàn chỉnh, có khi ông Ngọc mất vài ngày, thậm chí cả tuần để đục đẽo, mài giũa, ghép từng bộ phận… đến tạo kiểu dáng giày. Thỉnh thoảng, người nghệ nhân chau mày với những chi tiết chưa vừa ý, rồi lại gật gù hài lòng khi sản phẩm dần thành hình.
Ông Trịnh Ngọc cho biết, năm 1945, ông theo gia đình sang Campuchia sinh sống rồi tình cờ phát hiện một cơ sở đóng giày của người Việt. Những đôi giày thủ công đóng bằng tay đã hớp hồn chàng trai trẻ lúc nào không hay. Ông bèn lân la làm quen rồi quan sát, học hỏi.
Nhờ biết 3 thứ tiếng Hoa, Anh và Pháp, ông Ngọc có cơ hội tiếp xúc nhiều người nước ngoài. Vài lần có người nhờ ông sửa các đôi giày ngoại, ông nhận ra giày Tây có chất lượng và mẫu mã bắt mắt. Từ đó ông bắt đầu tìm tòi, tự học cách làm giày cao cấp.
"Để có một đôi giày đẹp, người thợ phải có kiến thức về khuôn, mũi, thiết kế kiểu dáng, đế... Đó cũng là lý do khiến tôi phải đăng ký theo học khóa thiết kế giày ở châu Âu. Tôi đã học suốt 4 năm để có được vốn hiểu biết đầy đủ về làm giày như đường nét, thông số của chiếc khuôn; cấu trúc của bàn chân để biết những điểm nhạy cảm, tránh gây đau khi sử dụng..." - ông Ngọc cho biết.
Theo ông Ngọc, một đôi giày đẹp trước nhất phải êm ái, làm cho đôi chân thoải mái. Mang lâu, bàn chân không bị chai sần, không xuất hiện mùi khó chịu… Bên cạnh đó, chất liệu, màu sắc, phong cách của giày rất quan trọng. Ngoài việc tôn dáng, đôi giày cũng nói lên một con người. Muốn biết người đối diện mình như thế nào, hãy nhìn vào đôi giày mà họ đang đi.
Về quê khởi nghiệp
Bằng niềm đam mê mãnh liệt với nghề, vào những năm 1950, ông Ngọc mở tiệm giày Đức Phát nổi tiếng khắp thủ đô Phnom Penh, được giới thượng lưu và các chính khách Campuchia thời đó ưa thích. Do đó, ông được Hoàng gia Campuchia chọn là người đóng giày cho vua, hoàng hậu, thái tử, công chúa và các hoàng thân… Tiếng tăm của ông Trịnh Ngọc bắt đầu nổi tiếng.
Ăn nên làm ra nhưng nỗi nhớ quê hương vẫn thôi thúc ông quay về. Năm 1970, ông quyết định về Việt Nam và bắt đầu lại từ con số 0. "Tôi yêu mùi da, quý từng sản phẩm nên chưa bao giờ có ý định bỏ nghề" - lão nghệ nhân bộc bạch.
Định hướng ngay từ đầu muốn chinh phục thị trường cao cấp, mỗi khi làm xong sản phẩm, ông đem ký gửi ở những trung tâm thương mại lớn, nổi tiếng lúc bấy giờ như Thương xá Tax, Crystal Palace và một vài shop hàng ngoại cao cấp ở khu vực trung tâm thành phố. Những đôi giày của ông Ngọc thường được trưng bày chung với giày ngoại vì được đánh giá cao và nhất là có giá bán cao gấp 3 - 4 lần giá ký gửi.
Nghệ nhân Trịnh Ngọc tâm sự: "Từng tiếp xúc với người nước ngoài, tôi hiểu rằng khách hàng châu Âu tìm đến những cửa hàng của người Việt bởi sản phẩm của người Việt luôn khéo léo, tinh xảo. Thế nhưng, điều đáng buồn là trong khi người nước ngoài tin dùng hàng Việt thì không ít người Việt lại có tâm lý ưa chuộng hàng ngoại...".
Rất nhiều nghệ sĩ Việt Nam nổi tiếng đã "phải lòng" giày do ông Ngọc sáng tạo đã tìm đến đặt hàng. Với mỗi vị khách, ông Ngọc đều nhớ rõ sở thích, yêu cầu cũng như đặc điểm bàn chân của họ để tạo ra đôi giày phù hợp nhất.
"Tốt khoe xấu che", đôi giày mang trong chân cũng vậy. Làm sao che đi những khiếm khuyết, đồng thời phô ra nét đẹp của đôi chân. Như vậy mới thành công" - ông Ngọc bộc bạch.
Đóng giày vì trái tim
Không ít người bảo Trịnh Ngọc có "vấn đề" bởi ông đã từ chối không ít hợp đồng kinh tế lớn mời hợp tác đầu tư. Ông Ngọc kể, một tập đoàn đến mời hợp tác mở hãng sản xuất giày.
"Đơn vị này muốn bỏ ra 5 triệu USD mở xưởng giày tại Việt Nam để xuất khẩu. Họ lo cả về vốn, đầu vào và cả đầu ra sản phẩm. Còn tôi lo đào tạo nghề cho công nhân được đãi ngộ với mức lương cao ngất. Đồng thời được tặng thêm cổ phần hơn 80.000 USD trong tập đoàn nhưng tôi đã từ chối. Niềm hạnh phúc của tôi là được tiếp xúc với khách hàng, được đóng giày cho họ chứ không phải bán "đứa con tinh thần" chỉ vì lợi nhuận. Và đến bây giờ, tôi vẫn chưa khi nào hối tiếc bởi những quyết định khi ấy"- lão nghệ nhân chia sẻ.
Với ông, thợ đóng giày chuyên nghiệp phải biết thiết kế để tạo mẫu giày đẹp, phải làm thợ mộc để gò khuôn gỗ theo kích thước chân, là nghệ sĩ để thả hồn vào từng sản phẩm, cái tâm phải lớn vượt ra khỏi lo toan vật chất,… nếu để tiền bạc chi phối thì không thể thả hồn mình vào từng tác phẩm.
Điều tiếc nuối của ông Trịnh Ngọc là không có người để truyền nghề mà ông đã tích lũy bao tinh hoa trong suốt sự nghiệp của mình. Những người con của ông đều có sự nghiệp riêng và không liên quan đến nghề làm giày. Cũng có nhiều "đệ tử" tìm đến học nghề, nhưng họ học chỉ đủ biết đóng vài ba kiểu giày rồi ra riêng để đi kiếm cơm. Ông bảo, với nghề nào cũng vậy, người muốn làm nghề phải đến bằng trái tim, có sự sáng tạo, thay đổi theo thời gian hiện đại thì mới thành công.
(Theo Tiền Phong)