Mê máy móc từ nhỏ
Đến nhà ông Hồng vào dịp địa phương đang thu hoạch lúa, trong xưởng của gia đình ông, hàng chục chiếc máy cắt đang được ông và công nhân kiểm tra, sửa chữa trước khi ra đồng.
Nhờ lấy chữ tín làm đầu nên ông Hồng được khách hàng tin tưởng. Những năm giá lúa thấp, ông giảm giá công cắt để chia sẻ cùng nông dân. Với 15 máy cắt, ông Hồng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thu hoạch lúa của người dân địa phương mỗi khi vào vụ. Riêng khoản dịch vụ thu hoạch lúa và cày đất, ông Hồng lãi từ 600-700 triệu đồng/năm.
Ông Hồng chia sẻ: “Tôi mê máy móc từ nhỏ, nên quyết tâm học hành bài bản. Nhờ kiến thức đã học giúp tôi có nền tảng vững chắc để quản lý và sử dụng hiệu quả 15 máy cắt đập liên hợp, 8 máy cày của gia đình”.
Ông Hồng có niềm đam mê với máy móc từ nhỏ. Ảnh: N.Q
Gia đình có truyền thống cách mạng, 16 tuổi ông được học tập tại Trường Thiếu sinh quân. 4 năm học tập, rèn luyện, ông được học thêm sửa chữa cơ khí. Xuất ngũ, ông về lại quê nhà. Năm 1994, ông đăng ký học lớp cơ khí tại Trung tâm Cơ khí quận 5 (TP.HCM) để cập nhật kiến thức mới về máy móc.
Trồng lúa sạch để xuất khẩu
Năm 2007, ông là người đầu tiên ở địa phương sở hữu máy cắt đập liên hợp trị giá 175 triệu đồng. Vợ chồng ông sau đó mua thêm 5ha đất ruộng, nâng tổng số đất gia đình sở hữu hiện nay lên 7ha.
Khi anh Nguyễn Thanh Hà, con trai ông quyết định thôi việc tại một công ty với mức thu nhập khá cao về phụ giúp gia đình làm ruộng, cũng là bước ngoặt giúp ông hiện thực hóa giấc mơ làm gạo sạch xuất khẩu. Từ những kiến thức tích lũy khi học tại Trường Đại học Nông lâm TP.HCM, anh Hà cùng cha chuyển đổi 2,5ha ruộng sản xuất theo quy trình sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế SRP (Sustainable Rice Platform).
Anh Hà nói: “So cách làm truyền thống, năng suất sản xuất lúa theo chuẩn GlobalGAP vẫn đạt 7 tấn/ha, nhưng giảm 40-50% chi phí, sức khỏe và môi trường nông thôn an toàn hơn. Trừ chi phí, bình quân gia đình lãi 25 triệu đồng/ha/vụ”.
Ông Hồng cho rằng: “Nhà nước cần có quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp để vận động người dân chuyển đổi sản xuất theo quy trình canh tác lúa gạo bền vững, bởi đó là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp trong tương lai”.
Anh Danh Hạnh (ngụ ấp Tà Keo, xã Phi Thông, TP.Rạch Giá) 1 trong 70 lao động có nhiều năm làm việc tại nhà ông Hồng chia sẻ: “Mỗi năm tết đến, ông Hồng lại cho gia đình tôi gạo, vợ ông thì tìm mua cho sắp nhỏ mấy bộ quần áo. Khi gia đình tôi sửa nhà, hoặc có người bệnh đột ngột, vợ chồng ông luôn sẵn lòng giúp đỡ”.
Theo bà Đồng Thị Thu - Phó Chủ tịch Hội ND xã Mỹ Phước, không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Hồng còn tích cực tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới do địa phương phát động như ủng hộ kinh phí làm cầu, đường giao thông nông thôn, xây nhà đại đoàn kết, giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học… với mức đóng góp mỗi năm hàng chục triệu đồng. |