Hội Nông dân giúp đi học trồng rau
Hầu như quanh năm, vườn rau an toàn của hộ ông Phạm Văn Năm luôn xanh mướt các loại xà lách, dền đỏ, tần ô, cải… Ông Năm cho hay, cũng như bao hộ khác, gia đình ông cũng miệt mài với việc trồng rau nhiều năm trước đó. “Điện Minh có lợi thế là vùng đất đai màu mỡ, thích hợp với các loại cây rau màu. Người dân trong xã cũng có kinh nghiệm về trồng rau màu. Bản thân tôi dù có kinh nghiệm trồng rau từ trước, nhưng khi bắt đầu chuyển đổi trồng theo mô hình rau sạch, rau an toàn cũng khá bỡ ngỡ…” - ông Năm cho biết.
Ông Phạm Văn Năm chăm sóc vườn rau an toàn của gia đình. ảnh: Trần Hậu
Ông Phạm Văn Năm kể, năm 2014, được Hội ND xã Điện Minh giới thiệu tham gia lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng rau an toàn. Ban đầu ông cũng ngại, bởi ông nghĩ việc trồng rau trước nay gia đình vẫn trồng, cần phải đi học, tập huấn thêm làm gì. Nhưng khi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng rau an toàn, ông và mọi người càng thấy ham, hiểu ra có những công đoạn, quy trình kỹ thuật mà trước nay mình chưa áp dụng vào ruộng rau.
Ngoài kiến thức từ lớp tập huấn, ông Năm còn chủ động tìm tài liệu học hỏi thêm rồi đúc kết kinh nghiệm để áp dụng vào mô hình sản xuất rau sạch của gia đình. Ông Năm nói: “Cái khó lớn nhất là quy trình kỹ thuật trồng rau an toàn và đầu ra sản phẩm. Bởi sản xuất đại trà mà không có đầu ra ổn định thì không thể tiếp tục phát triển được, chứ đừng nói là người trồng rau khá giả. Thấy được triển vọng của mô hình trồng rau sạch, rau an toàn, gia đình tôi quyết tâm thực hiện. Bước đầu, mô hình trồng rau an toàn đã đem lại hiệu quả thiết thực…”.
Ông Năm cho hay, giá mỗi kg rau sạch, rau an toàn ông bán ra thị trường cao gấp đôi với so với loại rau thông thường. Cũng như gia đình ông, nhiều nông dân ở Điện Minh đang chuyển hướng làm rau an toàn.
Phát triển chậm nhưng giá bán cao
Mô hình rau sạch của tôi thành công như ngày hôm nay là nhờ Hội ND xã Điện Minh đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật. Thời gian tới, tôi dự định mở rộng thêm 1.000m2 nữa để phát triển mô hình trồng rau sạch của mình…”. Ông Phạm Văn Năm |
Trao đổi với NTNN, ông Phạm Văn Năm cho biết thêm, rau an toàn do gia đình ông trồng không mất chi phí phân hóa học, thuốc trừ sâu, nhưng cho thu hoạch chậm hơn rau trồng theo cách thông thường, phải mất hơn 2 tuần tới 1 tháng mới được thu hoạch. Trong khi trồng rau sử dụng thuốc và phân hóa học, cây phát triển nhanh, năng suất cao hơn 2-3 lần so với rau an toàn và dĩ nhiên "mau thấy thu" hơn.
“Trong 2-3 tháng đầu, rau an toàn của gia đình tôi hầu như chỉ bán với giá bằng hoặc cao hơn một chút so với rau trồng theo kiểu "lâu nay". Nhưng tôi và gia đình vẫn kiên trì làm với quyết tâm thuyết phục người tiêu dùng dần dần. Quả như tôi dự tính, người dân và các thương lái bắt đầu mua rau an toàn với giá cao hơn. Đến nay, trung bình mỗi kg rau tôi bán cao gấp đôi so với rau thông thường, từ 55.000 - 60.000 đồng/kg. Trồng rau theo hướng sạch, an toàn đã đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình tôi” - ông Năm bày tỏ.
Hiện nay, gia đình ông Năm canh tác trên diện tích hơn 2.000m2, trồng các loại rau xà lách, dền đỏ, tần ô, cải…, mỗi ngày cung cấp ra thị trường từ 35-40kg rau các loại, doanh thu gần 2,5 triệu. Sau khi trừ chi phí còn lãi 1 triệu đồng/ngày. Với nguồn thu này, gia đình ông Năm đã xây nhà mới khang trang, nuôi con ăn học. Nguồn thu từ 2.000m2 rau sạch của gia đình ông Năm khiến nhiều nông dân các vùng, miền khác khó tin, nhưng ông Năm khẳng định đó là sự thật. Ông cũng cho biết, mức lãi trên chỉ đảm bảo trong điều kiện thời tiết thuận lợi, không gặp lũ lụt lớn...