Ngày 12/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo: “Chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi giá trị”.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT): Sau 20 năm hội nhập, năng suất chăn nuôi của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Nhưng chưa bao giờ trong lịch sử, ngành chăn nuôi lợn lại rơi vào điểm nghẽn dư thừa nguồn cung như đầu năm 2017. “Chúng ta đã có đợt phát động để cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi giai đoạn này. Tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, nguyên nhân chính vẫn là do yếu kém từ tổ chức sản xuất”, ông Dương nhấn mạnh.
Ông Vinod Ahuja, Chuyên giá chính sách của FAO khu vực châu Á, Thái Bình Dương cho biết, khủng hoảng giá với thịt lợn đã gây ra hệ lụy lớn tới các nông hộ nhỏ lẻ. Nhưng nếu chúng ta bỏ qua nông hộ nhỏ lẻ thì không bền vững về xã hội, kinh tế và môi trường. Việt Nam đang ở ngã ba đường, Việt Nam đang muốn xuất khẩu chăn nuôi thì vấn đề bền vững là rất quan trọng.
Thông qua hội thảo, Cục Chăn nuôi đã lấy ý kiến các chuyên gia nông nghiệp trong và ngoài nước, giúp Việt Nam xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, xây dựng chiến lược chăn nuôi trong giai đoạn 2016 -2020.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang sửa chiến lược chăn nuôi theo hướng phát triển chuỗi. "Hô khẩu hiệu chưa đủ, phải có chính sách hỗ trợ thông qua hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã để dẫn dắt nông hộ đi vào thị trường. Dựa trên các ý kiến góp ý, chúng tôi sẽ trình Chính phủ sửa đổi các chính sách, giúp cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Việc xây dựng liên kết chuỗi sẽ giúp chúng ta cải thiện dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy suất nguồn gốc, phân biệt rõ ràng những khâu yếu kém. Giải quyết vấn đề cung cầu. Chưa kể đến việc, giải quyết được điểm nghẽn này, sẽ tạo ra trật tự mới cho ngành chăn nuôi”, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết.