Theo đó, Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Các ủy viên của Hội đồng gồm đại diện lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đại diện Lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng, các ủy viên Hội đồng, cơ quan thường trực Hội đồng thực hiện theo quy định tại các Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.
Hội đồng được sử dụng con dấu và tài khoản (nếu cần) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phục vụ cho hoạt động của Hội đồng.
Đường vành đai 3 - Tp.HCM có chiều dài hơn 89km đi qua địa bàn 4 tỉnh, thành: Long An, TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương. Vào tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất đầu tư công đối với dự án này và giao UBND TP.HCM là cơ quan chuẩn bị đầu tư dự án. Sau đó, UBND Tp.HCM đã có tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ về nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 3 - Tp.HCM.
Theo tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, giai đoạn 1 dự án dài hơn 76km, thực hiện 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên quy mô tối thiểu 2 làn xe. Riêng đối với công tác giải phóng mặt bằng, ngay từ giai đoạn 1, dự án sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch để giữ đất nhằm tạo thuận lợi khi đầu tư giai đoạn 2 lên 8 làn xe. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là gần 76.000 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư gần 42 ngàn tỷ đồng.
Dự kiến dự án sẽ được khởi công vào quý 4/2023; năm 2025 thi công cơ bản hoàn thành, thông xe toàn tuyến và năm 2026 hoàn thiện tuyến đường.