Tưởng chừng như tỷ phú số một thế giới là Elon Musk sẽ sở hữu cho mình một mạng xã hội riêng với những cải cách mang tính đột phá khi đạt thỏa thuận mua lại Twitter với cái giá 44 tỷ USD ở thời điểm khoảng 3 tháng trước.
Tuy nhiên, ông chủ của Tesla đã đột ngột thay đổi thái độ chỉ một tuần sau đó khi nói rằng thương vụ chỉ thành công nếu Twitter chứng minh được con số 5% tài khoản rác là đúng. Sau một thời gian dài lời qua tiếng lại, cuối cùng vào ngày hôm qua, Elon Musk đã chính thức từ bỏ thương vụ này.
Là một trong những mạng xã hội lớn và nổi tiếng nhất toàn cầu với hàng trăm triệu tài khoản, Twitter nhận được nhiều sự chú ý tới từ Elon Musk trong nhiều năm qua. Những dòng tweet của người giàu nhất hành tinh luôn được người hâm mộ của ông hưởng ứng nhiệt tình, bao gồm những vấn đề về kỹ thuật, chính trị…
Trong đó, rất nhiều lần tỷ phú người Nam Phi phản đối chính sách của Twitter khi ông cho rằng mạng xã hội này đã vi phạm quyền tự do ngon luận, đặc biệt là sau khi cựu tổng thống Donald Trump bị "cấm cửa". Với mong muốn thay đổi chính sách người dùng mạnh mẽ, ngày 25/4, Elon Musk đã ký một thỏa thuận với các cổ đông về việc mua lại Twitter với giá khoảng 44 tỷ USD, tương đương với 54 USD/ cổ phiếu. Cổ phiếu của Twitter giảm nhẹ sau ngày hôm đó, đạt mức 49,68 USD vào ngày hôm đó.
Song ngay từ khi thông tin này được công bố, đã có nhiều nghi ngờ về việc ông Elon có thể thực hiện được thương vụ. Khoản tiền mua Twitter được dự kiến sẽ lấy từ nguồn vay mượn và góp vốn, trong khi doanh thu và lợi nhuận tới từ mạng xã hội này không thực sự ấn tượng, nhất là khi đặt cạnh hai doanh nghiệp mà Musk sở hữu là SpaceX và Tesla. Nghi ngờ này càng dấy lên cao khi Elon Musk đưa ra nhiều tweet chế nhạo những người đứng đầu Twitter, đồng thời cho rằng con số 5% tài khoản giả mạo mà mạng xã hội này đưa ra là quá ít ỏi. Ông và các luật sư của mình cho rằng thực tế, số lượng phải lên tới 20% và nếu Twitter không thể chứng minh điều này, thương vụ sẽ bị hủy bỏ.
Elon Musk cho rằng Twitter có 20% số tài khoản là giả mạo (Ảnh: Twitter)
Cuối cùng, sau rất nhiều lần đe dọa, Elon Musk thông qua luật sư của mình đã chính thức đưa ra thông báo hủy bỏ thương vụ này do phía Twitter không cung cấp đủ thông tin về hoạt động kinh doanh của công ty, đặc biệt là về vấn đề tài khoản giả mạo. Tuy nhiên, việc rút lui sẽ không chỉ đơn giản như vậy.
Trong thỏa thuận được 2 bên ký kết, Elon Musk có thể sẽ phải bồi thường 1 tỷ USD nếu ông không thực hiện cam kết mua lại cổ phần của Twitter. Do đó, đây sẽ là sự trừng phạt đầu tiên đối với tỷ phú này, dù rằng so với khối tài sản của ông, đây không phải là con số quá lớn.
Cổ phiếu của Twitter giảm giá liên tục kể từ ngày Elon Musk được chấp thuận lời hỏi mua
Hội đồng quản trị của Twitter cũng quyết tâm sẽ đưa thương vụ ra tòa và yêu cầu tỷ phú người Nam Phi thực hiện thương vụ hoặc bồi thường số tiền lớn hơn, nhất là khi giá cổ phiếu Twitter liên tục giảm giá sau khi Elon Musk đưa ra lời hỏi mua và được chấp thuận. Chủ tịch hiện tại của Twitter là ông Bret Taylor tuyên bố HĐQT của công ty đã sẵn sàng các thủ tục pháp lý để kiện Elon Musk và yêu cầu ông này phải thực hiện những gì đã ký kết với họ. Ông tỏ ra tương đối tự tin về việc sẽ bắt Musk phải trả hơn 1 tỷ USD trong phiên tòa ở Delaware, Mỹ sẽ diễn ra vào thời gian tới.
Tuyên bố của chủ tịch Twitter về việc đưa vụ hủy mua của Elon Musk ra tòa án Delaware (Ảnh: Twitter)
Với việc HĐQT quyết tâm đưa vụ việc ra tòa, Elon Musk sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc rút khỏi thỏa thuận mua lại này. Một trong những biện pháp tối ưu đối với ông này đó là tiếp tục thực hiện việc mua lại Twitter, nhưng với mức giá thấp hơn so với thỏa thuận.
Theo Reuters, trong giai đoạn dịch Covid – 19 diễn ra, đã có nhiều thương vụ được xử lý theo phương án này. Cụ thể, công ty thời trang Pháp LVMH đã từng suýt hủy bỏ thương vụ mua lại Tiffany and Co, tuy nhiên thương vụ này sau đó vẫn diễn ra khi hãng trang sức của Mỹ chịu "giảm giá" 425 triệu USD, giúp cho việc mua bán diễn ra ở mức giá 15,8 tỷ USD. Elon Musk hoàn toàn có thể tránh được các phiên tòa dai dẳng hàng tháng trời bằng việc thỏa thuận lại với mức giá tốt hơn.
Như vậy, thương vụ bom tấn giữa Elon Musk và Twitter đã không thành hiện thực – ít nhất là cho tới thời điểm hiện tại. Mặc dù vậy, tỷ phú người Nam Phi cũng sẽ phải trả một cái giá tương đối đắt, đó là 1 tỷ USD hoặc hơn thế nữa, nếu Twitter giành được chiến thắng trong phiên tòa ở Delaware.
Khi đó, số tiền bồi thường có thể rất lớn, hoặc Elon Musk sẽ bắt buộc phải hoàn thành thương vụ mua lại – với một mức giá như đã ký kết hoặc khác, nhưng vẫn khiến ông chịu thiệt hại nặng nề. Thương vụ này sẽ còn tiếp tục hấp dẫn trong nhiều tháng tới, khi tòa án sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về một trong những cuộc mua bán tai tiếng nhất từ trước tới nay.