Nhiều trường hợp chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng cá nhân gần đây đã trở thành cách thức của một số đối tượng xấu với mục đích "đặt bẫy" chủ tài khoản.
Mặt trái của giao dịch online là tạo ra mảnh đất màu mỡ cho nhiều đối tượng lừa đảo tài chính lợi dụng các kẽ hở để hoạt động
Theo chia sẻ của anh N.V.Đ sống tại Hà Nội, một buổi sáng, tài khoản ngân hàng của anh tự nhiên nhận được khoản tiền trị giá 30 triệu đồng với nội dung "Co Hien Vay 30tr trong 45 ngay".
"Tôi làm việc trong lĩnh vực tài chính nên biết việc chuyển tiền nhầm diễn ra thường xuyên, với nhiều khách hàng. Do đó, rà soát mãi không biết ai gửi tiền, thì có một người phụ nữ gọi điện thoại nói là chuyển nhầm và ngỏ ý xin lại số tiền đã chuyển. Nhưng vì bán tín bán nghi nên có hỏi lại là chủ tài khoản tên gì, chuyển từ ngân hàng nào, phải có giấy hoặc nhân viên ngân hàng mời ra chi nhánh trả lại được, thì cô đó lúng túng rồi im luôn", anh Đ. chia sẻ.
Ngay sau đó, anh Đ liên hệ với nhân viên chăm sóc tài khoản cá nhân tại ngân hàng thì được thông báo, khoản tiền 30 triệu đồng chuyển từ ngân hàng Vietcombank, chủ tài khoản là nam. Với kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính nhiều năm, anh Đ cho biết, đây có thể là một thủ đoạn lừa đảo có tổ chức . Nếu mình hấp tấp trả tiền cho người phụ nữ kia thì trước mắt sẽ không bị gì cả, nhưng sau đó hết thời hạn 45 ngày, chủ tài khoản do người đàn ông kia đứng tên sẽ xuất hiện và đòi khoản tiền 30 triệu đồng cùng tiền lãi "cắt cổ". Thậm chí nếu không trả, các đối tượng sẽ cho thành phần "xã hội đen" quấy phá công việc làm ăn, gia đình, người thân, vì bên đòi nợ thuê chỉ cần bằng chứng có nhận tiền, là có nợ.
"Trường hợp giăng bẫy như vậy đã xảy ra rất nhiều người, có những người bị đe doạ, không muốn phiền phức mà đã phải trả tiền cho xong chuyện. Vì vậy, những người bán hàng online có số điện thoại, số tài khoản, địa chỉ... cập nhật trên các phương tiện thông tin nên lưu ý", anh Đ nói.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp trước đó, LS. Vũ Minh Tiến, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã khuyến nghị, trong trường hợp chuyển nhầm tiền vào tài khoản là do nhầm lẫn bình thường, người chuyển tiền chỉ cần liên hệ với ngân hàng nơi vừa chuyển, đồng thời cung cấp đủ các giấy tờ xác thực liên quan đến số tiền. Sau đó, đại diện ngân hàng sẽ tiến hành liên hệ với chi nhánh ngân hàng nơi tài khoản được chuyển đến đã đăng ký để được chi nhánh nơi tài khoản có số dư tăng sẽ liên hệ với chủ tài khoản và yêu cầu hỗ trợ chuyển trả lại.
Như vậy chủ tài khoản chỉ cần xác nhận với ngân hàng về việc hoàn trả, còn thủ tục chuyển trả và trách nhiệm thuộc về chi nhánh ngân hàng. Người nhận tiền gần như không liên quan đến khoản tiền, vì vậy không ai có quyền đòi tiền hay quấy rầy cuộc sống cũng như công việc. Mặt khác, việc xác nhận chuyển trả tiền cũng giúp ngân hàng thực hiện đúng quy trình, quy định của họ là bảo vệ quyền lợi của khách hàng và giúp khách hàng tránh được việc vi phạm Điều 176 Bộ luật Hình sự về tội cố ý chiếm giữ trái phép tài sản bị chuyển nhầm...
Mới đây, Công an quận Đống Đa, TP Hà Nội cũng đã bắt giữ nhóm đối tượng chuyên giả danh ngân hàng lừa đảo người chuyển khoản nhầm để chiếm đoạt tiền của họ. Các đối tượng trong ổ nhóm này gồm Trương Huy Cường (SN 1993), Lê Minh Hoàng (SN 1998) và Lưu Quốc Toàn (SN 1987), đều trú tại tỉnh Quảng Nam.
Trước đó các đối tượng phát hiện chị Phạm Thị T. (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) chuyển nhầm tiền và lên mạng hỏi cách lấy lại. Các đối tượng lập tức đóng vai là nhân viên ngân hàng liên hệ lại rồi chiếm quyền quản trị tài khoản, lấy đi hơn 200 triệu đồng của chị. Để tránh bị truy vết, nhóm này chuyển tiền từ tài khoản người bị hại vào tài khoản ví điện tử sử dụng SIM rác. Từ các ví điện tử này sẽ chuyển tiền nạp vào game có máy chủ đặt tại nước ngoài.
Một chiêu thức khác của các đối tượng lừa đảo là lập ra trang web giả mạo ngân hàng, có giao diện khá giống với website của ngân hàng. Sau đó các đối tượng tìm kiếm trên mạng những trường hợp khách hàng chuyển khoản nhầm và đóng giả nhân viên ngân hàng hỗ trợ khắc phục sự cố chuyển nhầm, nhận nhầm. Khi bị hại tin thật, nhóm này gửi đường link để họ đăng nhập vào website giả mạo để chiếm đoạt thông tin, chiếm đoạt tiền trong tài khoản thật của khách hàng.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đánh giá, đây là một hiện tượng đáng lo ngại khi những hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng nhiều. Mà hiện tượng thường xuất hiện do 3 nguyên nhân chính là:
Thứ nhất, đây là mặt trái của sự phát triển công nghệ, khi kết nối internet toàn cầu, cũng như các thiết bị thông minh giúp mọi người người rất dễ dàng truy cập tài khoản, chuyển khoản online không cần phải đi đến ngân hàng. Từ đây đã hình thành mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng xấu lừa đảo.
Thứ hai, là sự nhẹ dạ cả tin, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng khi sử dụng thông tin trên mạng của nhiều người khi gặp những trường hợp như vậy xảy ra.
Thứ ba, là còn nhiều sơ hở trong vấn đề xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật dẫn đến các hành vi phạm tội cơ hội diễn ra.
"Tuy nhiên, pháp luật cũng có chế tài cụ thể đối những hiện tượng đưa ra thông tin gian dối để chiếm đoạt tài sản trong đời thực, với số tiền từ 2 triệu đồng trở lên thì đó là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sẽ bị xử lý hình sự theo điều 174 BLHS năm 2015. Đối với những đối tượng sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, thông tin điện tử để chiếm đoạt, dù số tiền dưới 2 triệu đồng, thì vẫn bị xử lý hình sự theo điều 290 BLHS năm 2015 với chế tài có thể lên đến 20 năm tù", Luật sư Cường cho biết.
Để đảm bảo an toàn trong những tình huống bị nhận tiền chuyển nhầm như đã nêu, người dân tuyệt đối không chuyển hoàn cho người lạ khi không có bên thứ ba làm chứng, tránh bị phiền toái sau này. Đồng thời không chuyển hoàn vào một tài khoản khác với tài khoản đã chuyển cho mình, phải chờ ngân hàng giải quyết trước. Khi nhận được điện thoại từ ngân hàng, người dân cần kiểm tra xem có đúng là số của ngân hàng không. Để chắc chắn hơn, chủ tài khoản nên đến ngân hàng làm việc trực tiếp và không cung cấp mã OTP, tên đăng nhập, password của tài khoản ngân hàng cho bất cứ ai kể cả họ có tự xưng là người thân, bạn bè, nhân viên ngân hàng hay cơ quan chức năng.