“BÉN DUYÊN” VỚI BỒ CÂU PHÁP
Đưa chúng tôi đi tham quan trại bồ câu Pháp của gia đình, ông Nguyễn Quốc Tuấn không giấu nổi niềm vui: “Đất này tôi mượn của đứa cháu cùng quê để nuôi bồ câu Pháp. Nhờ “đất lành chim đậu” nên từ khi nuôi đến nay, kinh tế gia đình ổn định hơn rất nhiều”.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước cho biết, bồ câu Pháp mỗi tháng đẻ 1 lứa. Đặc biệt, bồ câu Pháp có thể vừa ấp trứng vừa nuôi con nên việc tăng đàn rất nhanh.
Ông Tuấn kể từng làm nhiều nghề, trong đó có thời gian làm chủ thầu xây dựng. Trải qua nhiều công trình, đi khắp nơi, công việc không ổn định, đã đến tuổi xế chiều mà ông chưa tích lũy được chút vốn dưỡng già. Năm 2015, vợ chồng ông quyết định đến ấp Phước Tân đầu tư nuôi bồ câu Pháp. “Khi tôi đang làm công trình xây dựng ở huyện Phú Giáo (Bình Dương), thấy người ta nuôi chim bồ câu hiệu quả, tôi về bàn với vợ làm trại nuôi. Sẵn lúc đó có người vừa bán giống vừa truyền đạt kiến thức chăm sóc cho mình nên thuận lợi hơn” - ông Tuấn kể.
Nói là làm, ông Tuấn mua vật liệu rồi tự xây cất 500m2 nhà xưởng, mua 200 cặp giống về chăn nuôi với giá 550.000 đồng/cặp. “Giá giống tuy cao nhưng chúng tôi đã quyết tâm làm nên không sợ rủi ro” - bà Phạm Thị Thắm - vợ ông Tuấn nói. Mặc dù được người bán chim bồ câu Pháp giống hướng dẫn nhưng khi bắt đầu nuôi ông Tuấn mới thấy phát sinh nhiều vấn đề. “Đôi khi đàn bồ câu biếng ăn, ủ rũ và bị bệnh vì môi trường sống thay đổi, thức ăn không phù hợp” - bà Thắm nói. Vì vậy, ông Tuấn lại đi tham quan các mô hình chăn nuôi chim bồ câu Pháp thành công, học hỏi thêm qua sách báo, tivi và nhờ đến tư vấn viên thú y. Từ đó đàn bồ câu Pháp của gia đình ông Tuấn phát triển khỏe mạnh, ít bệnh và cho thu nhập ổn định.
Hiện, mỗi tháng vợ chồng ông Nguyễn Quốc Tuấn xuất bán khoảng 400-500 cặp bồ câu giống và thương phẩm. “Tôi xuất bán chủ yếu là bồ câu thương phẩm, giá mỗi cặp 100 ngàn đồng. Trung bình mỗi tháng gia đình tôi thu từ 40-50 triệu đồng. Trừ chi phí thức ăn cho chim, mỗi tháng tôi lời khoảng 30 triệu đồng” - ông Tuấn nhẩm tính. Ngoài ra, mỗi năm ông Tuấn còn thu hơn chục triệu đồng từ bán phân chim cho các nhà vườn.
TIẾP TỤC MỞ RỘNG TRẠI NUÔI BỒ CÂU PHÁP
Từ 200 cặp chim bồ câu Pháp ban đầu, hiện trang trại của hộ ông Nguyễn Quốc Tuấn có 1.050 cặp bồ câu sinh sản. Mỗi cặp được nuôi nhốt trong 1 lồng riêng. Thức ăn, nước uống cung cấp cho đàn bồ câu Pháp ngày 2 lần, chủ yếu là lúa, bắp. Nước uống cho đàn bồ câu Pháp được ông Tuấn lắp dàn tự động. Sau khi cho chim ăn, vợ chồng ông thay nhau lau máng, dọn sạch thức ăn thừa. “Với những cặp chim bồ câu non mình phải để ý kỹ hơn. Nếu chim bồ câu chưa tự mổ được, hoặc bữa nào nó yếu, mình phải đút cho ăn. Nuôi chim bồ câu Pháp phải tận tụy như chăm con mọn” - ông Tuấn giải thích.
Do nhu cầu tiêu thụ của thị trường đang cao, nhất là vào mùa cưới hỏi, tiệc tùng cuối năm nên ông Tuấn quyết định mở thêm gần 500 chuồng để nuôi thêm bồ câu Pháp. Ai có nhu cầu mua chim giống, ông Tuấn đều sẵn sàng truyền đạt kỹ thuật chăm sóc chim non. “Chia sẻ kinh nghiệm để mọi người cùng có cơ hội cải thiện cuộc sống, đó là điều tốt, không nên giấu giếm” - ông Tuấn khẳng định.
Theo kinh nghiệm của ông Tuấn, bồ câu Pháp thường bị bệnh phân xanh, phân trắng. Để trị bệnh này, ông Tuấn ra tiệm thuốc thú y mua thuốc. Đồng thời, ông Nguyễn Quốc Tuấn điều trị theo kinh nghiệm dân gian từ trái sung. “Đợt vừa qua, đàn bồ câu Pháp của nhà mình bị bệnh, mình lấy lá sung nghiền với nước cho chim uống, nhưng vẫn chết mấy cặp. Sau đó, mình hỏi những hộ nuôi khác mới biết phải nấu nước lá sung cho nó uống mới khỏi. Từ đó mình làm theo, đàn chim bồ câu Pháp khỏe mạnh trở lại” - ông Tuấn kể.
Mỗi con bồ câu Pháp mái mỗi tháng đẻ 1 lứa. Đặc biệt, bồ câu Pháp vừa ấp trứng vừa nuôi con nên việc tăng đàn rất nhanh. Nhờ nuôi bồ câu Pháp, ông Tuấn thu về khoảng 400 triệu đồng/năm. Kinh tế gia đình ổn định, ông Tuấn đã thực sự gắn bó với loài chim bồ câu và mảnh đất Phước Tân...