Ngày 24/11, tiếp xúc với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cử tri các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình (Hà Nội) nêu khá nhiều băn khoăn về kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa diễn ra tại kỳ họp Quốc hội thứ sáu vừa qua.
Theo cử tri Đặng Văn Hường (phường Hàng Mã) thì việc sống duy tình, cả nể của người Việt đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến lấy phiếu tín nhiệm, làm việc lấy phiếu tín nhiệm ít nhiều rơi vào "dân chủ hình thức". Vị này cho rằng nếu bỏ phiếu tín nhiệm với 3 mức như hiện nay thì không có một chức danh nào đạt quá 50% phiếu tín nhiệm thấp để tiến hành bãi nhiệm hoặc từ chức.
Cũng đồng tình với quan điểm trên, cử tri Trần Ngọc Toán (phường Tràng Tiền) nhận xét kết quả bỏ phiếu vừa qua cho thấy tỷ lệ của từng người quá chênh lệch, chưa thực sự thuyết phục, vẫn còn nể nang ở một số bộ trưởng mà theo ông thì tỷ lệ tín nhiệm đáng lẽ phải thấp hơn nữa.
Quốc hội nghiên cứu có nên mở rộng phạm vi cử tri bỏ phiếu tín nhiệm tại các đơn vị họ ứng cử hay không là vấn đề được vị cử tri này đặt ra.
Cho rằng lấy phiếu tín nhiệm là chủ trương đúng, có tác dụng tốt, song từ kết quả của cả ba lần lấy phiếu tại Quốc hội khóa 13 và 14, cử tri Lưu Huy Vinh (phường Thành Công) cho rằng, cần quy định rõ hơn về tiêu chí đánh giá cán bộ. Bởi, đây là công việc hết sức khó khăn vì nếu theo cảm tính hoặc do cảm tình nể mang thì sẽ không đánh giá đúng được.
Giải thích "lấy phiếu tín nhiệm có nghĩa của nó, đây là thăm dò tín nhiệm", Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý cử tri đừng dùng khái niệm "bỏ phiếu tín nhiệm".
Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng nêu rõ, khóa trước Quốc hội tiến hành lấy phiếu 2 lần trong 1 nhiệm kỳ, sau thấy dầy quá cũng khó, phải có thời gian.
Trên cơ sở lấy phiếu của Quốc hội, sắp tới, Trung ương sẽ lấy phiếu tín nhiệm với các Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban bí thư, Tổng bí thư cho biết tiếp.
Vẫn theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước thì lấy phiếu không phải cốt là truy trách nhiệm hay thay đổi cán bộ ngay. "Chỉ có căn cứ 1 chỗ đó thôi mà thay đổi cán bộ thì đã chín chưa, đã chuẩn xác chưa? Việc lấy phiếu có tính răn đe, ngăn ngừa, giáo dục, cảnh tỉnh là chính. Đương nhiên, ai thấp dưới 50% là phải xử lý rồi. Vừa rồi may là không xảy ra. Ta chẳng mong gì phải thay cán bộ. Sai rồi phải sửa, thấy rồi thì rút kinh nghiệm. Thế mới là nhân văn, là tốt".
Trao đổi với cử tri, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh thông tin ông đã nói nhiều lần, rằng phòng chống tham nhũng cũng thế, xử lý một vài người để cứu muôn người, để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe. "Bác Hồ nói chặt 1 cái cành để cứu cả cái cây, tốt nhất là không phải chặt, dùng thuốc chữa được thì cố chứ".
Hồi am đề xuất lấy phiếu tín nhiệm theo hai mức thay vì ba mức như hiện nay, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng "nói thật là độ rủi ro hơi cao quá".
"Giả sử độ một nửa cán bộ phải thay thì lấy ai làm, có thay kịp không? Có khi mình nghe thông tin chưa chắc đã chính xác mà cho ngay ông này phiếu thấp thì nguy hiểm lắm", Tổng bí thư phân tích.
"Báo cáo thật với các bác là bàn mãi rồi, cũng có ý kiến 2 mức thôi, nhưng tín nhiệm thấp là buồn lắm rồi chứ không phải không buồn đâu. Có những ngành khách quan là khó. Giáo dục khó vô cùng. Y tế khó vô cùng. Liên quan đến mọi người, mọi nhà, từ sách giáo khoa, đến chương trình, đến người thầy làm gương cho học sinh. Hơi một tí, cô giáo đánh học trò là lên phương tiện thông tin đại chúng hết. Bệnh viện rủi ro có bệnh nhận chết, có thể do trình độ bác sĩ, cũng có thể do bệnh hiểm nghèo, cũng phải nhìn khách quan, phải thông cảm chia sẻ. Có làm mới biết cũng gian nan lắm, phải rất thận trọng", Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trao đổi với cử tri.