Tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam có nhiều con số dự báo khác nhau. Tuy nhiên, tựu chung đều khẳng định tiềm năng của thị trường là rất lớn. Ví dụ, theo Frost and Sullivan, quy mô thị trường Việt Nam là 1,6 tỷ USD từ năm 2016 tăng thành 3,7 tỷ USD năm 2020. Hay tốc độ tăng trưởng bán lẻ trực tuyến đang ở mức 35%/năm, các doanh nghiệp chuyển phát tăng trưởng 62 – 200%.
Thực tế cũng ghi nhận thị trường trong nước đã có sự tham gia của các ông lớn ngoại cũng như nội địa. Những cái tên ngoại có thể kể đến như Alibaba, JD.Com, Tencent, hay trong nước thì có FPT, VinGroup,...
Nguyên nhân, Việt Nam có tỷ lệ dân số trẻ, tỷ lệ tiếp cận công nghệ mới cao và có tỷ lệ tăng trưởng GDP cao và ổn định trong các năm.
Sự bùng nổ của thương mại điện tử kéo theo các xu hướng dịch vụ hậu cần điện tử (E-logistics) phát triển theo.
Theo ông Vũ Đức Thịnh, e-logistics Việt Nam đang tồn tại một số thách thức như nguồn nhân lực, chưa có khung pháo luật, chủng loại phương tiện vận tải đầu cuối không đa dạng, thiếu và giá thành cao, chủ yếu giao hàng bằng xe máy, có sức chứa nhỏ...
"Sản lượng hàng hoá tăng trưởng nhanh nhưng không có sự đáp ứng kịp thời về phương tiện vận chuyển mới như xe đạp điện, xe ba bánh, bốn bánh điện để tăng thêm công suất", ông Thịnh nói khi nói về nút thắt của phương tiện giao nhận.
Ông nhấn mạnh chi phí e-logistics tại Việt Nam cũng đang cao nhất so với nhiều nước như Ấn Độ, Mỹ, Trung Quốc...
Để phát triển e-logistics, đại diện Lazada cho rằng các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ theo hướng tự động hoá, nâng cao năng lực vận hành, đầu tư mạnh vào nhân lực cũng như áp dụng các kinh nghiệm từ các nước phát triển.
Ông Thịnh cũng cho biết trong tương lại sẽ nghiên cứu, phát triển và đa dạng hoá phương tiện vận tải theo hướng thân thiện với môi trường. Cụ thể ở đây là xe điện. "Chúng tôi sẽ phát triển xe ba bánh, bốn bánh điện. Đây là định hướng phát triển bền vững", ông Thịnh nhấn mạnh.
Xe điện giao hàng đã được Lazada thí điểm từ nửa cuối năm 2017 tại một số thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Đây được xem là hình thức giao hàng thân thiện với môi trường đầu tiên tại Việt Nam.
Đội ngũ thiết kế công ty đã thiết kết xe đạp điện với thùng hàng ở phía sau với sức chứa gấp 2 – 3 lần thùng hàng trên xe máy truyền thống. Xe đạt vận tốc 25km/h, lộ trình 35 km đối với xe điện hoặc 60 km đối với xe trợ lực cho mỗi lần sạc từ 4- 6 h.
Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Jianggan Li, Founder & CEO of the Momentum Works ngoài vốn lớn, công nghệ, số lượng khách hàng lớn, khả năng tiêu dùng cao...một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành công của e-logistics tại Trung Quốc là sử dụng xe đạp, xe ba bánh điện. Nguyên nhân chi phí đầu tư, vận hành, bảo dưỡng thấp, diện tích trên đường bé (nhỏ hơn ô tô), có thể đậu được nhiều nơi và người lái không cần phải đào tạo dài.