Lê Diệp Kiều Trang và chồng (ông Sonny Vũ) là đồng sáng lập Misfit Wearables - một startup ở Thung lũng Silicon chuyên về các thiết bị theo dõi sức khỏe và đo vận động của cơ thể. Đến cuối năm 2015, vợ chồng Lê Diệp Kiều Trang quyết định bán lại công ty cho Tập đoàn đồng hồ Fossil của Mỹ với giá 260 triệu USD. Câu chuyện trên vẫn luôn là niềm cảm hứng cho hàng ngàn thanh niên ở Việt Nam trong nhiều năm.
Chiều 13/12, khi xuất hiện tại sự kiện "Diễn đàn lãnh đạo trẻ Việt Nam 2019" do BSSC tổ chức tại TP.HCM, bà Lê Diệp Kiều Trang một lần nữa nhắc lại câu chuyện này như một cách để khơi gợi niềm tin cho các startups trên hành trình tạo ra các phát minh có ích cho cộng đồng.
"Hôm nay tôi muốn nói về câu chuyện không biên giới. Nhiều năm trước mọi người ít hình dung về các cụm từ như lãnh đạo, sáng tạo xuyên biên giới nhưng những năm gần đây thì câu chuyện này không còn quá xa lạ nữa.
Sự khởi đầu của tôi cũng giống như các bạn thôi, dù sống và làm việc ở nước ngoài thì tất cả chúng ta đều có nguồn gốc từ Việt Nam. Chúng ta đều có chung nguồn cảm hứng về phá vỡ biên giới trong sáng tạo cũng như trong bản lĩnh của khởi nghiệp.
Misfit là một công ty công nghệ, ngay từ khi thành lập cả tôi và anh Sony đều định hướng đó sẽ công ty toàn cầu. Đúng là như vậy, sau 4 năm thành lập cho đến ngày Misfit được bán đi đã có những thành công đáng kể khi thành lập được 5 team. Một team ở San Francisco, 1 team ở TP.HCM, 2 team ở Trung Quốc chuyên bán hàng ở Bắc Kinh, và 1 team phần mềm ở Thâm Quyến.
Câu chuyện của Misfit kéo dài chỉ chừng 4, 5 thôi, nhưng trong 5 năm đó đội ngũ của Misfit đã tạo ra được 6 sản phẩm và gọi vốn khoảng 60 triệu đô. Đến năm cuối 2015 vợ chồng tôi quyết định bán lại với giá 260 triệu đô. Các bạn có thể thấy, những bước chân đầu tiên của Misfit không dừng ở biên giới trí tuệ Việt mà còn bán ra rất nhiều nước trên thế giới, là một phần của các thương hiệu lừng danh.
Thành quả của Misfit bên cạnh thành quả về tài chính là thành quả về nguồn nhân lực khi mà chúng tôi tập hợp được đội ngũ anh em có nhiều kỹ sư giỏi, nhà sáng tạo công nghệ. Những thành quả đó là cả một quá trình nỗ lực tìm kiếm nhân tài. Vào năm 2011, khi Misfit thành lập ở Việt Nam tôi bắt đầu phải tìm kiếm các kỹ sư về phần mềm. Tuy nhiên, thời điểm đó thì các kỹ sư giỏi họ đều đang làm outsourcing, một số thì làm cho công ty nước ngoài, các công ty đó nhận dự án về và cho họ outsourcing.
Đó cũng là một cách hay nhưng vấn đề là khi các bạn làm trong những công ty đó thì không tạo ra được sản phẩm của riêng mình, việc các bạn có sản phẩm để bán ra toàn cầu là chưa có. Chúng tôi nhận thấy Việt Nam có một lượng lớn kỹ sư khao khát được suy nghĩ, được tạo ra sản phẩm, thiết kế sản phẩm, xây dựng nó, chỉnh sửa nó và mang sản phẩm đến cho khách hàng.
Thời điểm đó, có nhiều kỹ sư Việt Nam đang làm trong công ty nước ngoài. Họ có khả năng sáng tạo rất tốt và tạo ra được sản phẩm chứ không cần dùng đến công nghệ từ nước ngoài đem về. Kỹ sư Việt Nam rất giỏi về công nghệ, chỉ có điều là họ chưa tạo ra được sản phẩm mang màu sắc riêng.
Không dừng lại ở đó, đi qua câu chuyện của Misfit các bạn sẽ thấy sự sáng tạo của người Việt không chỉ dừng lại ở công nghệ mà còn cả trong Marketing. Nhờ có đội ngũ Marketing hiệu quả, Misfit có nhiều cơ hội hợp tác với nhiều người mẫu nổi tiếng và các nhãn hàng trên thế giới. Vì sao chúng tôi làm được chuyện đó, là bởi Misfit đã thể hiện được rằng chúng tôi hiểu nhu cầu của người dùng, gu của người dùng, biết họ đang quan tâm xu hướng nào, kiểu dáng ra sao để đáp ứng.
Câu chuyện của Misfit không dừng lại ở con số 260 triệu USD bán đi mà 2 năm sau đó team của Misfit tiếp tục cho ra đời hàng trăm mẫu đồng hồ thông minh được ưa chuộng khắp thế giới. Tất cả đều được sáng tạo bởi đội ngũ kỹ sư người Việt Nam. Điều đó có đáng để chúng ta tự hào hay không?", Lê Diệp Kiều Trang kể.
Nguồn cảm hứng để quỹ Alabaster ra đời
Khép lại câu chuyện của Misfit, Lê Diệp Kiều Trang và chồng đã quyết định đi tìm tòi và tạo ra nguồn cảm hứng cho Alabaster - quỹ đầu tư vào startups. Các startups thiên về giải pháp giải quyết các vấn đề về môi trường, phục vụ thiết thực cho đời sống xã hội là mục tiêu hướng đến của quỹ này. Nói về lý do thành lập Alabaster, Lê Diệp Kiều Trang trăn trở nhiều về sự biến đổi khí hậu, khí thải và những vấn đề về môi trường mà con người đang ngày ngày phải đối mặt.
"Các bạn biết không, thế giới này đối mặt với rất nhiều vấn đề như rác thải, khí Co2, cháy rừng… mỗi ngày chúng ta đều phải hít một lượng lớn khí độc vào cơ thể. Vậy những vùng sáng tao khoa học công nghệ đó sẽ giải quyết được vấn đề gì trong những vấn đề bức thiết liên quan đến cuộc sống của con người.
Hiện nay, tại Việt Nam lượng không khí ô nhiễm ở Hà Nội đã vượt tiêu chuẩn. Câu chuyện đó đặt cho chúng ta câu hỏi rằng chúng ta sáng tạo để làm gì? Liệu những startups có nghĩ đến việc cần tạo ra những phát minh để giải quyết bớt những vấn đề đó hay không?
Với lượng khí Co2 phát sinh như ở thời điểm hiện tại nếu không có cách nào giảm bớt đi thì đến 2030 chúng ta cần nguồn năng lượng của 2 thế giới cộng lại mới đủ. Nếu phát sinh khí thải thêm 3% thì cần thêm 1,5 lần nguồn lực như hiện tại để xử lý. Nếu chúng ta lựa chọn cách sống như người Úc thì chúng phải có tới 5 trái đất mới sinh sống được. Tuy nhiên, trái đất thì chỉ có 1 thôi. Vậy những vấn đề còn tồn tại, vấn đề năng lượng sẽ được giải quyết ra sao với những bài toán Innovation?
Trong số những phát minh của con người sẽ làm giảm lượng phát sinh khí Co2 được bao nhiêu?. Tôi cho rằng các phát minh giúp giảm khí Co2 cực kỳ quan trọng, Trong đó, các bạn có thể phát minh làm sao nấu bếp thật sạch và không phát sinh khí Co2 sẽ ấn tượng hơn việc dùng xe điện. Đây là cách mọi người đang sống hằng ngày, phải nấu ăn hằng ngày và làm phát sinh một lượng lớn khí Co2. Vậy hãy thử nghĩ làm sao phát minh ra được thứ có thể giúp giảm bớt lượng khí này khi nấu ăn cũng đã giúp được phần lớn cho môi trường.
Nói như thế để thấy rằng thế giớ này không chỉ dừng lại những phát minh rất khoa học về công nghệ mà chúng ta cần phải tạo ra thêm những phát minh cho phụ nữ, các bé gái… Những giải pháp này đứng hàng thứ 6 trên thế giới trong các danh mục cần tạo ra những phát minh thì tại sao chúng ta lại bỏ qua. Với khởi nghiệp, biên giới không quá xa xôi mà biên giới ở ngay gần chúng ta. Các bé gái, phụ nữ là những người đang phát triển cho thế hệ sau, là đối tượng khách hàng tiềm năng để chúng ta nhắm đến.
Tôi kêu gọi các bạn đang khởi nghiệp, đang chuẩn bị khởi nghiệp xin hãy đừng dừng lại ở khoa học, đừng dừng lại ở phát minh công nghệ mà hãy nghĩ xem làm cách nào để giúp thế giới giảm bớt khí độc, hãy cứu môi trường đi", Lê Diệp Kiều Trang chia sẻ.
Với nguồn cảm hứng đó, 2 vợ chồng Lê Diệp Kiều Trang đã quyết định sáng lập quỹ đầu tư để hỗ trợ những startups đem lại tầm ảnh hưởng tốt cho xã hội, mang những phát minh khoa học vào ứng dụng trong đời sống. Theo Lê diệp Kiều Trang, đây là lĩnh vực khó phát huy nhưng một khi đã bắt tay vào làm thì rất có khả năng tạo được sự ảnh hưởng tốt trên thế giới, mang lại những lợi ích không chỉ về tài chính cho người sáng lập.
Hiện tại, Alabaster đang đầu tư vào khoảng 25 công ty công nghệ chuyên về giải pháp môi trường tại nhiều quốc gia như Mỹ, Israel, Australia… Các công ty được đầu tư là công ty deeptech (công nghệ chuyên sâu), có sự kết hợp của các phát minh khoa học và đã phát triển sản phẩm áp dụng vào đời sống, giải pháp có giá trị tác động ở mức hành tinh.