Dòng tiền ''ồ ạt'' đổ vào nhóm ngân hàng giúp hàng loạt cổ phiếu tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày Giáng sinh 24/12.
Kết thúc phiên, toàn bộ 27 mã ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM tăng giá. Trong đó có 4 mã tăng trần là TPB, HDB, EIB và SHB cùng với hơn chục mã khác tăng 3 – 6%.
Đóng cửa buổi chiều, cổ phiếu EIB của Eximbank tăng kịch biên độ gần 6,9% lên 31.200 đồng/cp với khối lượng dư mua trần gần 400.000 đơn vị. Trước đó, cổ phiếu này cũng tăng trần trong phiên giao dịch ngày 23/12 đi cùng mức thanh khoản cao kỷ lục hơn 4 triệu đơn vị.
Tính chung 5 phiên giao dịch tuần qua, thị giá EIB đã tăng tổng cộng 20% và mã có tỷ suất sinh lời tốt nhất nhóm ngành ngân hàng.
Cổ phiếu Eximbank bật tăng mạnh trong bối cảnh nhà băng này vừa kết thúc thời gian nhận hồ sơ đề cử nhân sự dự kiến vào hội đồng quản trị (HĐQT) và ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020 – 2025 vào ngày 22/12. Diễn biến đáng chú ý của cổ phiếu EIB trong tuần khiến giới đầu tư tiếp tục dò đoán về những thay đổi về thượng tầng của nhà băng này.
HDB của HDBank cũng tăng trần trong ngày hôm nay khối lượng dư mua gần 1,45 triệu cổ phiếu. Trước đó, HDB đã liên tục lao dốc và mất gần 12% từ đầu tháng 12.
Liên quan đến cổ phiếu này, trong báo cáo phân tích mới phát hành, Chứng khoán Mirae Asset cho biết, HDBank là một trong số ít ngân hàng đang được xem xét nới giới hạn sở hữu nước ngoài lên 49% theo lộ trình quy định trong thỏa thuận thương mại EVFTA.
Không kém cạnh, SHB cũng bật tăng 7% sau hàng loạt phiên lao dốc. Trước đó, ngân hàng này thông báo hoàn tất bán hơn 539 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 12.500 đồng/cp, thấp hơn 40% so với thị giá hiện tại. Trong đó, Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển cùng 6 cá nhân, tổ chức liên quan chi ra gần 1.350 tỷ đồng để thực hiện quyền mua gần 108 triệu cổ phiếu SHB.
Ngày giao dịch 24/12 cũng chứng kiến sự đảo chiều ngoạn mục của cổ phiếu TPB sau 3 phiên giảm liên tiếp. Hiện tại, thị giá TPB đã tiệm cận mức kỷ lục 39.800 đồng ghi nhận vào ngày 20/12. Với diễn biến trên, TPB đã tăng gấp đôi trong vòng một năm qua và là cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng tốt nhất năm 2021.
Ngoài 4 mã kịch trần, SSB, VPB, LPB và PGB cũng bật tăng mạnh trên 5% trong ngày hôm nay cùng với nhiều mã khác tăng 3-4%.
Cổ phiếu ''vua'' đồng loạt bật tăng khi thời điểm kết thúc năm 2021 sắp đến gần. Giới phân tích dự báo, triển vọng kinh doanh quý 4 của ngành ngân hàng sẽ có nhiều điểm sáng khi nhu cầu tín dụng hồi phục mạnh mẽ trong những tháng gần đây.
Theo số liệu của Nhân hàng Nhà nước, tính đến ngày 25/11/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng khoảng 10,1% so với cuối năm 2020. Con số này tại thời điểm 29/10 mới chỉ đạt 8,72%.
Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, tăng trưởng tín dụng đã tăng thêm 1,38 điểm %, tương ứng với lượng tín dụng được bơm thêm ra nền kinh tế là khoảng 126.857 tỷ đồng.
Trước đó, NHNN trong tuần qua đã chấp thuận tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 cho một số ngân hàng, với việc nới thêm từ 1 – 6% tùy vào chất lượng tín dụng cũng như các chỉ số an toàn vốn của từng ngân hàng.
Giới phân tích đánh giá điều này sẽ giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới nhằm hỗ trợ cho việc mở cửa trở lại nền kinh tế, trong điều kiện nhiều NHTM đã chạm trần tín dụng trong 9 tháng đầu năm.
Trước đó, phát biểu tại tọa đàm cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 diễn ra chiều 5/12, ông Phạm Thanh Hà – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 12% và có thể điều chỉnh linh hoạt với tình hình thực tế. Đến cuối tháng 11, dư nợ tăng trên 10%, phù hợp với mục tiêu 12% đề ra. Đồng thời, NHNN cũng sẵn sàng phát đi tín hiệu có thể nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong tháng 12/2021.
"Điều hành của NHNN nhằm đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, cho hệ thống các tổ chức tín dụng cũng như doanh nghiệp’’, Phó Thống đốc chia sẻ.