Lê Hoàng Uyên Vy là gương mặt không còn xa lạ với giới startup Việt Nam. Sở hữu "background" khủng, sự nghiệp luôn gắn liền với các vị trí quản lý cao cấp tại doanh nghiệp lớn hoặc làm chủ chính doanh nghiệp của mình, không ngoa nếu nói Lê Hoàng Uyên Vy là hình mẫu "con nhà người ta" khiến bao người phải ngưỡng mộ.
Nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, hãy cùng quay ngược thời gian, nhìn lại chặng đường sự nghiệp đáng ngưỡng mộ của nữ doanh nhân này.
Những lần "đầu tiên" trong sự nghiệp của Lê Hoàng Uyên Vy
7 tuổi: Kiếm đồng tiền đầu tiên
Năm 1994, Lê Hoàng Uyên Vy mới 7 tuổi và đang học lớp 2 tại một trường tiểu học tại Tp.HCM. Năm đó, có một ảo thuật gia người Ấn Độ đến trường biểu diễn và chào bán một cuốn sách ảo thuật.
"Đối với trẻ con, lần đầu được xem trình diễn, ai cũng muốn mua sách vì nghĩ rằng đọc xong cũng sẽ biết làm ảo thuật. Nhưng vấn đề là cuốn sách có giá 5.000 đồng trong khi hằng ngày đi học, các bố mẹ chỉ cho trung bình 2.000 đồng/ngày", Uyên Vy kể lại trong một sự kiện.
Ngay lập tức, cô học trò nhỏ mượn cuốn sách, đếm số trang và tính toán ra rằng nếu photo thì chỉ mất 200 đồng/cuốn. Như vậy, nếu bán cuốn sách photocopy với giá dưới 2.000 đồng, chẳng hạn như 1.200 đồng thì đã lời 1.000 đồng/cuốn và chỉ cần bán 5 cuốn sẽ hòa vốn.
Nghĩ là làm, Uyên Vy lập tức mua 1 cuốn sách gốc rồi đi photocopy và chào mời các bạn trong lớp. Kết quả là, cô bé bán được 20 cuốn, mang về doanh thu 24.000 đồng. Sau khi trừ đi chi phí photo và phí mua sách gốc, Uyên Vy vẫn bỏ túi được 15.000 đồng. Vậy là trải nghiệm kinh doanh lần đầu tiên của cô bé diễn ra suôn sẻ.
13 tuổi: Lập công ty đầu tiên
Năm 1998, Vy bắt đầu được dùng máy tính và được tiếp cận với internet, các phần mềm chat mIRC. Trò chuyện trong các nhóm chat, Vy thấy một số người nước ngoài khoe website cá nhân có tên miền là tên của chính mình.
"Khi mới 11 tuổi, tôi xem rất nhiều các website và tự tìm hiểu cách thiết kế chúng. Thông qua diễn đàn và chat-room, tôi có cơ hội được tiếp xúc với rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài. Lúc đó, họ cho tôi xem website của riêng họ, cho tôi xem tên miền (domain) và những địa chỉ email rất đẹp. Tôi cảm thấy thật phấn khích! Lúc bấy giờ, bộ máy tìm kiếm Google còn chưa phát triển.
Vì vậy, tôi thường dùng website Altavista để tra cứu thông tin. Cũng nhờ sự kiên nhẫn học tập, tôi cũng đã có thể tự thiết kế website cho mình và mua một tên miền riêng - tên là uyenvy.com. Vào thời điểm đó, tôi cảm thấy mình đã sở hữu một cái gì rất đặc biệt - "độc nhất vô nhị". Tôi tự tạo cho mình một hộp email với địa chỉ vy@uyenvy.com. Sẽ không có ai có địa chỉ email trùng với tôi cả. Thật tuyệt vời!", cô kể trong cuốn sách "Con gái bà Triệu thế kỷ 21".
Với niềm ham mê thiết kế web, Uyên Vy tự lập "công ty" riêng có tên TmSpeed Network. Mặc dù không phải công ty chính thức do cô còn quá nhỏ tuổi để nghĩ đến đăng ký kinh doanh nhưng mục đích chính lúc ấy là phát triển dịch vụ thiết kế website.
Không lâu sau đó, cô gái bất ngờ và ngạc nhiên khi thấy FPT quảng cáo dịch vụ thiết kế website với giá lên tới 14 triệu đồng cho 10 trang, hoàn thành trong 2 tháng.
"Tôi nghĩ trong đầu rằng mình cũng biết làm website, dù không chuyên nghiệp nhưng cứ nghĩ là làm, không biết sợ điều gì. Tôi thay đổi 2 ý, cũng là một trang web 10 trang nhưng giá chỉ 4 triệu, hoàn thành trong 1 tuần".
Những công việc này, Uyên Vy tự làm một mình hoặc rủ một số người bạn quen biết trên mạng cùng thực hiện. Điều đáng nói là những người bạn này đang là sinh viên, và không hề biết cô là trẻ con. Sau một thời gian làm website, Uyên Vy bắt đầu kinh doanh tên miền năm 13 tuổi. Thương vụ thành công nhất cô thực hiện được đó chính là bán tên miền tivi.org với giá 2.100 USD. Theo Vy chia sẻ, người mua có địa chỉ email từ trường Harvard.
Sau một thời gian mua nhiều tên miền để bán lại nhưng không tìm được thành công như kỳ vọng, cô gái khi ấy đang là học sinh THPT, chuyển sang kinh doanh mảng lưu trữ trực tuyến.
Tuy nhiên, ngay vào thời điểm tưởng như đã gặt hái được thành công thì toàn bộ hệ thống hosting của cô bị hacker đánh sập. Vy rơi vào khủng hoảng và lo sợ vì khách hàng khiếu nại liên tục. Sau hơn 1 tuần, cô khôi phục lại được website và dịch vụ của mình. Đó cũng là lần đầu tiên Uyên Vy biết mùi thất bại.
Tốt nghiệp cấp 3, cô thi đậu vào trường Georgetown University, nơi mà cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton từng theo học. Uyên Vy theo học chuyên ngành tài chính và tốt nghiệp hạng xuất sắc với vị trí thủ khoa. Bên cạnh đó, cô gái tiếp tục xông pha bằng việc bán hàng trên sàn TMĐT eBay.
22 tuổi: Sáng lập sàn TMĐT đầu tiên
Năm 2009, Uyên Vy về nước, lập trang TMĐT chuyên về thời trang mang tên "Chon.vn". Thời gian đầu, Chon.vn sống tốt với mô hình trung tâm thời trang online, cung cấp dịch vụ xây website cho nhiều thương hiệu chính hãng.
Với suy nghĩ công ty thời trang nào cũng cần website, Uyên Vy đặt mục tiêu ký với những "Top Brands" – doanh nghiệp đầu ngành để lấy uy tín trên thị trường, thậm chí phải năn nỉ hay làm miễn phí cho họ. Sau đó, việc thuyết phục khách hàng, thương hiệu nhỏ sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Công việc kinh doanh suôn sẻ cho tới năm 2012, khi Lazada và Zalora bước vào Việt Nam. Với sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả, miễn phí hoàn toàn dịch vụ website, chỉ thu chiết khấu/sản phẩm, Zalora đã nhanh chóng tiếp cận với hơn 100 thương hiệu vốn là khách hàng của Chon.vn.
Điều này khiến sàn TMĐT của Uyên Vy buộc phải thay đổi mô hình và nghĩ đến việc gọi vốn. Tuy nhiên, nhà đầu tư sau khi nhìn thấy lượng tiền mặt của công ty quá ít đã ngừng thương vụ. Nữ CEO 25 tuổi khi ấy phải làm đủ thứ để nuôi công ty, từ event, tổ chức khai trương, chạy truyền thông,…
Đến năm 2014, Chon.vn sáp nhập vào Adayroi của Vingroup. Đồng thời, cô cũng được chiêu mộ làm CEO sàn TMĐT này, khi mới 27 tuổi.
Nhớ lại thời điểm này, Uyên Vy từng tâm sự với chúng tôi: "Lúc còn trẻ, mình không biết nhiều nên cái gì cũng thử làm. Càng biết nhiều thì con người sẽ càng cảm thấy sợ hãi nhiều thứ, nhìn đâu cũng thấy rủi ro nên ít dám thực hiện ý tưởng. Mình nhận ra rằng: Trẻ thì gọi là Liều, cứ thử, sai thì sửa thôi. Càng sai nhiều thì sau này sẽ có cơ hội làm đúng."
31 tuổi: Lấn sân sang đầu tư mạo hiểm
Sau thời gian chinh chiến và tích luỹ kinh nghiệm với vai trò nhà khởi nghiệp, sự nghiệp của Lê Hoàng Uyên Vy chứng kiến bước ngoặt mới khi cô thử sức mình trên cương vị nhà đầu tư mạo hiểm. Năm 31 tuổi, Uyên Vy trở thành General Partner (Đối tác điều hành) quỹ ESP Capital, chuyên đầu tư vào các startup công nghệ.
2 năm sau, từ bỏ vị trí tại ESP Captial, Lê Hoàng Uyên Vy cùng "cá mập" Dzung Nguyễn thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm riêng – Do Ventures. Quỹ này cũng tập trung đầu tư vào các công ty công nghệ giai đoạn đầu ở Việt Nam và Đông Nam Á, với quy mô vốn 50 triệu USD. Sau 1 năm, hiện danh mục của Do Ventures đã có sự góp mặt của 6 startup, bao gồm: Bizzi, Vuihoc.vn, Mfast, Manabie, Palexy và F99.
Sau hành trình dài kinh doanh, lãnh đạo và làm việc với các doanh nghiệp, CEO Do Ventures rút ra 3 yếu tố quan trọng cần có để thành công.
Thứ nhất, sự chủ động. "Cách tốt nhất để dự đoán tương lai là kiến tạo ra nó", Uyên Vy trích dẫn lại câu nói nổi tiếng của cựu tổng thống Abraham Lincoln. Nữ CEO quan điểm, dù là nam hay nữ thì cơ hội sẽ đến khi bản thân có sự chủ động và chăm chỉ, cố gắng hết sức.
Thứ hai, sự kiên trì và bền bỉ. Uyên Vy cho rằng khi thành công thì chúng ta thường ít nhận ra mình thành công ở đâu, tuy nhiên thất bại sẽ cho ta khoảng lặng để suy nghĩ. Đó là thời gian tốt nhất để mỗi người nhận ra bài học cho riêng bản thân.
"May mắn là một sự luyện tập của chăm chỉ. Càng làm nhiều, càng thất bại nhiều thì càng may mắn. Càng làm nhiều, càng thất bại nhiều thì càng may mắn.Nếu cứ ngồi chờ,không dám thất bại thì sẽ không bao giờ thành công và không bao giờ may mắn."
Thứ ba, sự thấu cảm. Lãnh đạo phải giúp cho mọi người thấu cảm với nhau, đứng vào vị trí của nhau, chấp nhận bỏ cái tôi. Sau đó văn hóa công ty mới dần được hình thành.