Liên tiếp những ngày vừa qua, câu chuyện nghệ sĩ làm từ thiện liên tục trở thành đề tài bàn tán xôn xao của công chúng. Mà nguồn cơn của sự việc bắt nguồn từ việc bà chủ Đại Nam - Nguyễn Phương Hằng đặt nghi vấn NS Hoài Linh chưa chuyển số tiền 13,7 tỷ đồng kêu gọi được từ các mạnh thường quân cả nước. Ngay sau đó, NS Hoài Linh đã đích thân lên tiếng cho biết số tiền hiện tại vẫn nằm trong tài khoản, lý do của sự chậm trễ là vì dịch bệnh Covid-19. Nam nghệ sĩ cho biết sau khi hoàn thành xong việc trao toàn bộ số tiền này đến những địa phương cần giúp đỡ sẽ có sao kê rõ ràng gửi đến khán giả.
Rất nhiều cuộc tranh cãi trên MXH đã được nổ ra xoay quanh câu chuyện này. Đa phần cho rằng, đến thời điểm hiện tại đã là 6 tháng từ ngày miền Trung gặp lũ lụt, thế nên số tiền gần 14 tỷ quyên góp kia đã không thể đến tay những người cần nhất vào thời điểm cấp bách nhất. Để hiểu rõ hơn những góc nhìn đa chiều trong sự việc này, hãy thử tiếp cận qua góc nhìn từ chính những nhà hoạt động xã hội làm việc ở chính những vùng có lũ. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Thế Nhân - Chủ tịch tổ chức CODES Việt Nam - Trung tâm Phát triển Cộng đồng và Công tác Xã hội. Đây là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận hoạt động hỗ trợ các nhóm cư dân nghèo, thiệt thòi ở miền Trung, đã và đang có nhiều chiến dịch cứu trợ và tái thiết đời sống cho bà con vùng lũ.
Lê Thế Nhân Chủ tịch tổ chức CODES Việt Nam (Trung tâm Phát triển Cộng đồng và Công tác Xã hội)
Chào anh. Hiện có rất nhiều lý do được đưa ra trong việc nghệ sĩ Hoài Linh chậm trong quá trình từ thiện miền Trung dù đã nhận một khoản tiền rất lớn từ các mạnh thường quân. Theo anh, việc này nên đánh giá như thế nào?
Số tiền mà nghệ sĩ Hoài Linh gây quỹ được (cũng như nhiều nghệ sĩ/ người nổi tiếng khác) là một khát khao/ mong ước của những người làm phát triển cộng đồng - xã hội chuyên nghiệp như tôi. Việc vẫn tồn đọng khoản tiền lớn trong tài khoản gây quỹ của nghệ sĩ Hoài Linh là một điều tôi thấy rất đáng tiếc. Đáng tiếc cho miền Trung, đáng tiếc cho người gây quỹ và cả đáng tiếc cho cộng đồng làm việc vì xã hội.
Tôi không ở trong tiến trình gây quỹ và quản lý quỹ của NS Hoài Linh nên tôi không thể đánh giá tiến trình đó như thế nào. Về kinh nghiệm thực tế, để triển khai một món quỹ nhỏ dưới 100 triệu ở một cộng đồng nào đó, tổ chức CODES Việt Nam thường cần 5 người làm việc với thời gian từ 15-20 ngày mới thực hiện xong một quy trình hỗ trợ dựa vào cộng đồng: Khảo sát tình trạng và nhu cầu, họp dân, làm việc với chính quyền và các bên liên quan, lập kế hoạch, triển khai thực hiện, làm báo cáo hoạt động, tài chính. Quá trình này có sự theo dõi giám sát và đánh giá của các bên liên quan.
Theo tôi, trước tiên chúng ta cần chia sẻ cái khó của NS Hoài Linh vì tôi nghĩ rằng ai cũng muốn làm từ thiện hiệu quả, nhất là khi công việc của mình dựa trên lòng tin và sự uỷ thác của xã hội. Việc đọng quỹ trong tài khoản thời gian dài nếu lên án thì dễ, hợp tác, tìm kiếm các giải pháp hiệu quả đồng hành cùng với nhau để cùng tiếp tục các nỗ lực tương trợ xã hội mới là điều nên làm.
Tiền từ thiện dành cho việc hỗ trợ đời sống người dân miền Trung mùa lũ, nhưng bây giờ… hết lũ rồi, vậy số tiền đấy có còn thiết thực khi mà người cần được giúp không còn… cần lắm?
Hỗ trợ liên quan tới thiên tai, theo tôi, có mấy giai đoạn lặp lại: Trước thiên tai là dự phòng; thiên tai tới thì chống, tương trợ khẩn cấp; thiên tai qua thì khắc phục; khắc phục xong là tái thiết; trở lại là cải thiện năng lực dự phòng.
Thường thì bên ngoài nhìn vào, cộng đồng chú tâm vào những tình huống khẩn cấp và chưa quan tâm đúng mức các giải pháp ở các giai đoạn khác. Chính vì vậy mà cứ mỗi mùa thiên tai là có tâm thế đi cứu trợ. Cái nhìn có thể khác đi là giúp cho cộng đồng tại chỗ thực hiện các giải pháp tăng năng lực của họ. Thời điểm này mới cần thiết để thực hiện các giải pháp tăng năng lực dự phòng, chống chịu và chủ động cho mùa thiên tai tiếp theo ở miền Trung. Cho nên, nếu nhìn vào giải pháp phát triển thì thời điểm này rất thiết thực với nhu cầu hỗ trợ tài chính để thực hiện các giải pháp sẵn có (mà thiếu tài chính) của các cộng đồng vùng thiên tai.
Nghệ sĩ Hoài Linh có thể làm gì để số tiền từ thiện ấy có thể làm đúng việc của nó?
Tâm niệm của tôi là làm việc xã hội đừng bao giờ làm một mình, vì làm một mình chẳng bao giờ hết việc và không có sức. Chỉ có thể hợp tác với nhau, dựa vào sự tham gia quyết định của người dân để đáp ứng được nhu cầu tại chỗ ở từng nơi. Làm cách này cần thời gian và con người. Bù lại, nó sẽ giúp tăng cường sự tự chủ, tinh thần tương trợ và bảo vệ lòng tự trọng của cộng đồng bởi vì chính người dân tham gia giải quyết các nhu cầu của họ. Vì vậy, hợp tác với các bên liên quan ở miền Trung, đặc biệt là các tổ chức làm việc trực tiếp với cộng đồng là một đề xuất để nghệ sĩ Hoài Linh hay những ai đang làm việc mang tính cá nhân có thể tham khảo.
Từ thiện là cả một quá trình dài mà chúng ta càng lúc càng nhận ra: Từ thiện không phải chỉ đơn thuần là đến cho và nhận. Anh có nghĩ nhiều nghệ sĩ đang làm từ thiện theo cách khá cảm tính, tức là thấy cần thì kêu gọi và sau đó chưa tìm ra được 1 lộ trình để xử lý tiền từ thiện một cách khoa học và thiết thực?
Cảm xúc tích cực rất giúp ích cho mỗi người ra quyết định. Chính lòng trắc ẩn của xã hội đã đem đến cho những người có uy tín cơ hội huy động nguồn lực một cách dồi dào. Những người có uy tín/ ảnh hưởng hãy tiếp tục làm điều đó. Họ có thể làm tốt hơn là phát huy sở trường kêu gọi của họ. Sở đoản của họ là triển khai thì nên hợp tác với các bên có sở trường làm việc, các tổ chức làm việc chuyên nghiệp để có được một chương trình hành động rõ ràng về mặt kết quả mong muốn, đảm bảo minh bạch giải trình và quan trọng hơn là tuân thủ luật pháp. Làm như vậy thì càng gia tăng uy tín của họ trong xã hội. Tôi tin rằng, thay vì mỗi người tự đi làm việc xã hội trực tiếp họ sẽ tốn chi phí mà có khi khó đạt mục tiêu, họ sẽ chấp nhận cung cấp cho các tổ chức chuyên nghiệp từ 5-10% chi phí để các tổ chức này làm việc đảm bảo các yếu tố như tôi vừa nêu trên.
Anh nghĩ: Nghệ sĩ Việt Nam học được kinh nghiệm gì từ việc từ thiện sau câu chuyện của nghệ sĩ Hoài Linh và thậm chí là cả trường hợp của Thủy Tiên trước đây?
Tôi nghĩ không chỉ giới nghệ sĩ, người có uy tín huy động nguồn lực mà cả giới làm việc xã hội chuyên nghiệp như chúng tôi đều có bài học riêng cho mình qua trải nghiệm tình huống của anh Hoài Linh. Bài học chung mà tôi nghĩ tất cả các bên đều có thể rút ra là: Gây dựng năng lượng tích cực trong xã hội dựa trên chủ động tìm nhau hợp tác vì lợi ích chung. Đó là bài học rất quan trọng để giải quyết những khó khăn, cản trở căn bản của công việc xã hội.
Ảnh: Sưu tầm