Người phát ngôn của Lego cho biết việc tập đoàn quyết định "ngừng vô thời hạn các hoạt động thương mại ở Nga do môi trường hoạt động tiếp tục bị gián đoạn".
"Điều này bao gồm việc chấm dứt việc làm của hầu hết đội ngũ có trụ sở tại Moscow và quan hệ đối tác với tập đoàn bán lẻ Inventive Retail Group, vốn vận hành 81 cửa hàng cho thương hiệu", người phát ngôn của Lego cho biết thêm.
Hồi tháng 3, Lego đã quyết định đình chỉ vận chuyển các đơn hàng đến Nga sau khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine.
Cùng ngày, người phát ngôn của Inventive Retail Group nói: "Chúng tôi xác nhận việc chấm dứt hợp đồng với Lego. Tập đoàn chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với tư cách là một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng và đồ chơi giáo dục".
Đầu tháng 5 vừa qua, Nga đã đưa các sản phẩm của Lego vào danh sách những mặt hàng có thể nhập vào nước này mà không cần thỏa thuận về quyền sở hữu trí tuệ của đơn vị chủ quản nhằm né tránh các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow. Trong số danh sách trên còn có các điện thoại thông minh của Samsung, Apple, các hãng xe lớn, đồ chơi điện tử.
Theo thông tin trong cơ sở dữ liệu tài chính và pháp lý của tổ chức Spark, lợi nhuận ròng của Lego đã tăng 63% trong năm 2021 lên 1,8 tỷ Ruble (khoảng 30 triệu USD).
Trước đó, nhiều doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động hoặc rút khỏi Nga do cuộc xung đột với Ukraine như Apple, Ford, Toyota... Nhiều hãng dù đã đầu tư vào Nga hàng thập kỷ cũng tuyên bố rút lui, chẳng hạn các công ty năng lượng như Exxon, BP, Shell. Các hãng phim lớn như Disney, Warner Media thông báo ngừng phát hành phim ở nước này.
Danh sách doanh nghiệp rút khỏi Nga ngày một dài hơn khi chính phủ các nước tiến hành các biện pháp trừng phạt với nước này, loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT hay đóng cửa không phận.