Thay vì chờ đợi Phú Quốc thí điểm mở cửa đón khách quốc tế từ ngày 1-10 rồi mới tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm thì các địa phương nằm trong kế hoạch thí điểm của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch như Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)... đều đang khẩn trương chuẩn bị phương án vực dậy ngành du lịch của tỉnh mình.
Quảng Nam: Đủ năng lực đón khách quốc tế
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, cho biết tỉnh đã chuẩn bị kỹ các phương án, điều kiện và luôn trong tư thế sẵn sàng đón khách quốc tế bằng các chuyến bay thuê bao (charter) đến Quảng Nam du lịch theo mô hình "hộ chiếu vắc-xin".
Từ giữa tháng 4, khi chưa bùng phát đợt dịch Covid-19 thứ 4, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các sở - ngành, đơn vị, địa phương liên quan phối hợp Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các doanh nghiệp (DN) lữ hành quốc tế khảo sát thực tế sân bay Chu Lai, các khu du lịch lớn gồm khu nghỉ dưỡng phức hợp Nam Hội An (huyện Duy Xuyên) và TUI BLUE Nam Hội An (huyện Núi Thành), để xây dựng phương án đón khách du lịch quốc tế bằng các chuyến bay charter đến Quảng Nam. Qua khảo sát, Quảng Nam đáp ứng các điều kiện về hạ tầng giao thông, y tế, cơ sở dịch vụ du lịch, yêu cầu quản lý khách, không gian an toàn cho cộng đồng dân cư... để triển khai đón khách du lịch quốc tế.
Các điểm du lịch ở tỉnh Khánh Hòa đang rất “khát” du khách. Ảnh: KỲ NAM
Ông Nguyễn Thanh Hồng cho biết từ đầu năm đến nay, Quảng Nam đã đón 15.410 công dân Việt Nam từ nước ngoài về cách ly tại các khách sạn có thu phí trên địa bàn tỉnh. Trong số này có 43 người được phát hiện mắc Covid-19. Dù vậy, các công ty lữ hành và khách sạn trong thời gian qua đã thực hiện tốt các những định về phòng chống dịch bệnh, không để xảy ra trường hợp lây nhiễm chéo và lây lan ra cộng đồng. "Việc tỉnh Quảng Nam tổ chức tốt công tác đón công dân Việt Nam ở nước ngoài về cách ly tập trung có thu phí tại các khách sạn trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã thể hiện được năng lực của tỉnh và sự sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế trong thời gian tới" - ông Hồng nhấn mạnh.
Khánh Hòa: Thí điểm trong phạm vi nhỏ
Trong khi đó, UBND tỉnh Khánh Hòa dù vẫn đang chống dịch nhưng đã sớm đồng ý về chủ trương xây dựng phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế có "hộ chiếu vắc-xin" bằng các chuyến bay charter.
Lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết về cơ bản đã xây dựng xong phương án thí điểm để trình UBND tỉnh, trong đó sẽ triển khai theo từng giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là "người Khánh Hòa du lịch Khánh Hòa", tiếp đó là du lịch nội địa từ các vùng không có dịch đến Khánh Hòa với điều kiện là đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin với giấy chứng nhận âm tính đi kèm trong vòng 72 giờ. Bước tiếp theo, đón du khách quốc tế có "hộ chiếu
vắc-xin" bằng các chuyến bay charter đến Khánh Hòa thì phải tham mưu UBND tỉnh trình Chính phủ và các bộ, ngành trung ương về vấn đề này.
Việc mở cửa du lịch trở lại, tỉnh Khánh Hòa nêu quan điểm chỉ thí điểm trong phạm vi nhỏ, ít ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội địa phương và đời sống người dân. Tỉnh sẽ ưu tiên nhóm khách nghỉ dưỡng biển, sử dụng dịch vụ du lịch khép kín tại các khu du lịch, chơi golf, ít di chuyển... như các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, resort ở Bắc bán đảo Cam Ranh (Bãi Dài). Đây là cụm du lịch, nghỉ dưỡng nằm cách xa khu dân cư, có đầy đủ cơ sở hạ tầng, dễ dàng kiểm soát, bảo đảm an toàn cho du khách.
Lâm Đồng: Thận trọng thu hút khách nội địa
Riêng Đà Lạt (Lâm Đồng), địa phương này chú trọng thu hút khách nội địa hơn là quốc tế. Chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, cho biết tỉnh đang từng bước kiểm soát được dịch Covid-19. Cùng với kế hoạch của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về mở hướng kích cầu du lịch cuối năm và nắm bắt được thời cơ vực dậy ngành du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã đưa nhiều giải pháp phục hồi.
Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng sẽ nghiên cứu nhu cầu thị trường để có những sản phẩm du lịch phù hợp, có chất lượng; tăng cường liên kết với nhau và với hãng hàng không, vận tải, khách sạn, nhà hàng... để xây dựng các gói kích cầu du lịch. Đồng thời phát huy vai trò của hiệp hội du lịch, vận động các DN kinh doanh du lịch dịch vụ liên kết thành chuỗi dịch vụ khép kín với nhiều gói chương trình kích cầu giá ưu đãi, linh hoạt, phù hợp nhiều đối tượng nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, tích cực quảng bá hình ảnh Đà Lạt - Lâm Đồng là "điểm đến an toàn, hấp dẫn", chú trọng tuyên truyền, thông tin kịp thời về điểm đến an toàn cho du khách; tiếp tục có giải pháp phòng chống dịch hiệu quả để thu hút du khách quốc tế từ các vùng không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Triển khai chương trình kích cầu du lịch để phục hồi du lịch địa phương sau dịch như tổ chức các sự kiện giới thiệu chương trình kích cầu du lịch Lâm Đồng 2022; quy hoạch và mở rộng không gian du lịch, định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng theo từng cụm du lịch, như: Cụm TP Đà Lạt và vùng phụ cận (TP Đà Lạt, huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đam Rông, Đơn Dương và Lâm Hà); TP Bảo Lộc và vùng phụ cận (TP Bảo Lộc, huyện Di Linh và Bảo Lâm); các huyện phía Nam (Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên).
Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ quy hoạch các tuyến du lịch nội vùng từ Đà Lạt đi TP Bảo Lộc và các huyện; tuyến liên kết vùng Tây Nguyên - duyên hải Nam Trung bộ - vùng TP HCM - vùng ĐBSCL - các tỉnh phía Bắc và tuyến du lịch quốc gia - quốc tế...
Đà Nẵng muốn thí điểm đón khách nước ngoài
Với TP Đà Nẵng, dù không nằm trong kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nhưng lãnh đạo TP Đà Nẵng vẫn rất mong được thực hiện đón du khách bằng "hộ chiếu vắc-xin" để giúp ngành du lịch nhanh chóng phục hồi.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết TP đang nghiên cứu để đề xuất thực hiện đón khách quốc tế thông qua "hộ chiếu vắc-xin". Theo ông Bình, điều đầu tiên khi thực hiện việc này là phải đặt an toàn cho du khách và điểm đến lên hàng đầu. Hiện chủng Delta đang khiến tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên việc thí điểm "hộ chiếu vắc-xin" cũng cần có các nghiên cứu kỹ lưỡng. Riêng Đà Nẵng, ông Bình cho hay trước tiên là phải thực hiện tiêm vắc-xin diện rộng. "Muốn mở cửa đón khách, đầu tiên phải khẳng định là điểm đến an toàn. Chí ít là phải khoanh vùng các khu du lịch và cho tiêm vắc-xin trước. Phú Quốc có đặc thù là hòn đảo nên việc khoanh vùng cũng thuận tiện hơn Đà Nẵng" - ông Bình nói.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, sở đang thực hiện nắm thông tin thị trường ở các nước và sẽ tập trung hướng tới đón khách ở thị trường an toàn như châu Âu. "Phải thực hiện từng bước chứ không vội vàng và nhất định phải tiêm vắc-xin cho người lao động phục vụ du lịch, người dân địa phương trước đã. Như Phuket (Thái Lan) mở cửa đón khách cũng đã thực hiện tiêm vắc-xin cho người dân cả rồi" - ông Bình cho hay.
Chiều 10-9, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Kiên Giang truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao quy định, hướng dẫn cụ thể về việc cấp giấy chứng nhận tiêm vắc-xin phòng Covid-19; ưu tiên phân bổ vắc-xin kịp thời cho người dân đang sống và lao động tại Phú Quốc, phù hợp với kế hoạch và thời điểm thực hiện.
Th.Phương
Huế ưu tiên khách gần và nội tỉnh
Không nằm trong kế hoạch thí điểm của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nhưng ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết đã sớm xây dựng và trình các phương án lên UBND tỉnh để sẵn sàng đón khách, phục hồi du lịch khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Ngay từ bây giờ, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chuẩn bị nguồn nhân lực, bảo đảm an toàn để đón khách. Đến nay, toàn tỉnh đã có 3.500 người trong lực lượng lao động ngành du lịch được tiêm 2 mũi vắc-xin Covid-19. Tỉnh cũng tính đến phương án mở cửa trở lại đối với các thị trường gần, ưu tiên nội tỉnh, nội địa để thử nghiệm giấy chứng nhận vắc-xin trong nước. Thị trường được hướng đến là vùng không có dịch hoặc khách đến từ vùng có dịch nhưng điểm đó không nằm trong diện phải cách ly 21 ngày và đã được tiêm vắc-xin.
Về lâu dài, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ hướng đến thị trường khách quốc tế khi thế giới mở cửa trở lại, các quốc gia phổ cập vắc-xin. Tỉnh đã đàm phán với kênh truyền hình CNN để quảng bá du lịch Huế. Các clip quảng bá sẽ trình chiếu trên CNN vào thời điểm "chín muồi", dự kiến vào năm 2022.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-9