CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC – mã VDS) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 trong đó có nội dung đáng chú ý liên quan đến kế hoạch tăng vốn khủng. Theo phương án trình cổ đông, VDSC dự kiến sẽ phát hành thêm 104,9 triệu cổ phiếu qua đó tăng vốn điều lệ gấp đôi lên 2.100 tỷ đồng.
Trong đó, VDSC dự kiến sẽ phát hành 36,8 triệu cổ phiếu để trả cổ tức (tỷ lệ 100:35); phát hành 10,5 triệu cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (tỷ lệ 10:1). Nguồn vốn thực hiện trích từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, thặng dư vốn cổ phần và các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/12/2021.
Song song, VDSC cũng lên kế hoạch chào bán cho cổ đông hiện hữu 52,6 triệu cổ phiếu theo phương thức thực hiện quyền (tỷ lệ 2:1) và phát hành ESOP hơn 5 triệu cổ phiếu (tương ứng 4,8% lượng cổ phiếu lưu hành) cùng với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Số vốn thu được từ đợt phát hành sẽ được sử dụng để bổ sung vốn kinh doanh cho hoạt động bảo lãnh phát hành, hoạt động đầu tư và hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ/ứng trước.
Theo VDSC, sự bùng nổ của thị trường đã kéo theo nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh của CTCK đối với các nghiệp vụ như cho vay ký quỹ nhà đầu tư, thu xếp vốn, bảo lãnh, tự doanh,... Ngoài ra, với việc hệ thông giao dịch mới của HoSE được kỳ vọng sẽ đưa vào hoạt động từ năm 2022 cũng như nhiều sản phẩn, dịch vụ mới được UBCKNN, Sở Giao dịch chứng khoán nghiên cứu triển khai, các CTCK phải gia tăng năng lực tài chính để đáp ứng trong giai đoạn sắp tới.
Mặc dù lên phương án tăng vốn khủng nhưng VDSC lại trình cổ đông kế hoạch kinh doanh khiêm tốn với lợi nhuận sau thuế 403,2 tỷ đồng, thấp hơn 5,5% so với kết quả thực hiện năm 2021.
Mặt khác, mục tiêu tổng doanh thu năm 2022 lại tăng 13% so với thực hiện năm ngoái lên 1.193,6 tỷ đồng. Các hoạt động môi giới, dịch vụ chứng khoán, ngân hàng đầu tư dự kiến tăng trưởng mạnh trong khi mảng tự doanh và hoạt động khác có thể đi lùi.
VDSC đánh giá thị trường chứng khoán năm 2022 có nhiều yếu tố thuận lợi như kinh tế phục hồi, các gói hỗ trợ kích thích tăng trưởng, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết chủ lực được kỳ vọng tăng trưởng tích cực. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất tiết kiệm thấp dẫn đến kỳ vọng nguồn tiền nhàn dỗi trong dân cư sẽ tiếp tục chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán.